“Vấn đề” – Câu chuyện không của riêng ai
“Vấn đề” xuất hiện khi thực tế không như mong đợi. Và sẽ thật kỳ lạ nếu bỗng nhiên một ngày chúng ta không còn bất kỳ vấn đề nào để giải quyết.
“Vấn đề” tạo anh hùng
Năm 1996, Steve Jobs quay trở lại Apple đảm đương vị trí CEO và vác cả gánh nặng công ty sắp phá sản trên vai. Hiển nhiên, ông chẳng phải là người khiến công ty lâm vào tình trạng này. Thế nhưng thay vì tránh né, ông lựa chọn đối diện và sửa chữa chúng. Quyết định của ông đã giúp làm nên lịch sử cùng tương lai huy hoàng cho Apple.
Một câu chuyện khác, vào năm 1959 tại Ấn Độ, một người đàn ông nghèo tên Dashrath Manjhi chứng kiến cảnh vợ mất do tai nạn và không được chữa trị kịp thời. Bởi đoạn đường từ ngôi làng ông đang sống đến bệnh viện không chỉ xa tận 55km, mà còn bị chặn bởi dãy đồi cao. Địa hình trắc trở là vấn đề của cả làng. Ấy thế không ai nghĩ cách giải quyết vì cho rằng không thể “dời” quả đồi đi được.
Tuy nhiên, người đàn ông goá vợ kia hy vọng người khác sẽ không phải chịu cảnh như vợ mình nên đã tự đào đường thông qua dãy đồi. Ban đầu, mọi người đều gọi ông là kẻ điên. Thế nhưng sau 22 năm, chỉ với mỗi búa và cái đục, ông đã đào hầm xuyên núi dài 110m, rộng 9,1m và sâu 7,7m. Con đường ông đào giúp rút ngắn khoảng cách từ làng đến thị trấn còn 15km, giúp ích rất nhiều cho dân làng.
Ông còn được đất nước vinh danh là anh hùng dân tộc. Chân dung của ông được in trên tem của Ấn Độ. Câu chuyện đào đường xuyên núi cũng được dựng thành phim.
“Vấn đề” rất đỗi bình thường
Bản thân chúng ta luôn có những kỳ vọng, nhưng trong thực tế, chúng không phải lúc nào cũng diễn ra như mong muốn. Đặc biệt là khi chúng ta bắt đầu làm điều gì đó mới mẻ hoặc làm nhiều việc cùng một lúc. Không những vậy, độ khó của vấn đề tăng theo cấp số nhân khi chúng ta cố gắng giải quyết chúng giùm người khác hoặc muốn mang lại điều tốt đẹp cho một tập thể lớn hơn.
Hiển nhiên, vấn đề luôn khiến chúng ta bực dọc. Chúng ta có thể than vãn hay “xả” lên người khác. Nhưng rốt cuộc sau những hành động “trẻ con” đấy, vấn đề vẫn còn đó.
Vì vậy, nguyên tắc đầu tiên là chấp nhận vấn đề một cách bình tĩnh cùng tinh thần trách nhiệm. Những người thường gặp khó khăn trong việc tìm cách xử lý là do họ không nhìn nhận vấn đề thật sự nghiêm túc, hay thậm chí là trốn chạy.
Nguyên tắc đầu tiên là chấp nhận vấn đề một cách bình tĩnh cùng tinh thần trách nhiệm.
Còn những người có tinh thần cứng rắn hơn thường sẽ chủ động hỏi: “Đâu là cách tốt nhất để đối phó với vấn đề?”. Ở vai trò người chứng kiến, đôi khi, bạn có thể giúp thúc đẩy tinh thần để họ tự tìm phương án. Hoặc bạn chủ động hỗ trợ bằng cách hỏi han và đưa ra lời khuyên. Nhưng đôi lúc, bạn cần chờ đợi cùng sự tin tưởng để họ tự giải quyết trước.
Bạn cần nhớ rằng, giải quyết vấn đề không có nghĩa là để chứng minh bản thân. Đó là lời nhắc nhở chúng ta về sự khiêm tốn và tâm lý chấp nhận thực tế không phải lúc nào cũng như mong đợi. Do đó, bạn cần cố gắng hơn, trau dồi nhiều hơn để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Đấy là cách con người trưởng thành và mang lại năng lượng tích cực cho cuộc sống.
Chúc bạn tìm được cách giải quyết vấn đề của riêng mình.
Thann Auttanukune
Nguồn: brandsvietnam