Founder&CEO Marou: “Nếu sản phẩm chất lượng, bạn có thể thu hút được sự quan tâm và yêu thích từ rất nhiều người”
Vincent Mourou, người đã từ bỏ công việc ổn định trong ngành quảng cáo tại San Francisco gặp Samuel Maruta, một nhân viên ngân hàng sống cùng vợ và 2 con tại Sài Gòn trong một chuyến cắm trại trong rừng ở Việt Nam vào năm 2010. Sau chuyến đi, Sam và Vincent bị ấn tượng bởi cách người dân trồng cacao ở Bà Rịa Vũng Tàu và quyết định thành lập một công ty sản xuất socola ở Việt Nam.
Họ – những người chưa từng có kinh nghiệm trong ngành sản xuất socola – đã tìm đến một trang trại tại Bà Rịa Vũng Tàu để mua hạt cacao sau khi tra từ khoá trên Google. Công ty sản xuất socola của 2 chàng trai người Pháp ra đời trong nhà bếp của Sam với cái tên Marou Faiseurs de Chocolat (viết tắt bởi tên của 2 Co-founders là Vincent Mourou và Samuel Maruta), chỉ vỏn vẹn máy xay sinh tố, lò nướng và khuôn nướng bánh.
Bộ đôi đã biến căn bếp của Sam thành một phòng thí nghiệm socola, trong thời tiết nắng nóng của Việt Nam. Năm 2011, họ đã thử nghiệm 55 mẫu socola trong suốt 6 tháng, trước khi đạt tới phiên bản socola cuối cùng.
“Chúng tôi lưu mẫu từng loại thử nghiệm, giống như một thí nghiệm khoa học. Nhưng thay vì thử nghiệm hàng loạt, mỗi lần, chúng tôi sẽ chỉ thay đổi một thành phần duy nhất, cho tới khi đạt được hương vị hoàn hảo” – Vincent chia sẻ trong bài phỏng vấn với Bloomberg.
Sam và Vincent đã lang thang ở 6 tỉnh tại Việt Nam để thu gom các hạt cacao chất lượng, với giá cao gấp đôi giá thị trường. Mỗi hạt cacao trồng tại vùng miền khác nhau lại cho hương vị khác nhau, Marou đã tạo ra 6 dòng sản phẩm dựa theo hương vị và địa điểm trồng loại cacao sản xuất ra vị socola ấy: Đắk Lắk 70%, Tiền Giang 70%, Đồng Nai 72%, Lâm Đồng 74%, Bà Rịa 76% và Bến Tre 78%. Tất cả đều là socola đen (nguyên chất) và không hề pha thêm phụ gia hay hương liệu khác.
Socola Marou đã được truyền thông quốc tế khen ngợi hết lời. New York Times đã dành hẳn một bài viết với tựa đề “The best chocolate You’ve never tasted” (Tạm dịch: Bạn chưa bao giờ ăn loại socola ngon đến thế) để nói về thanh socola Marou có vị rất khác so với socola trên thế giới.
Trong khi đó, Bloomberg cũng bị ấn tượng mạnh bởi socola vị phở của Marou: “Đó là một loại socola đen với cây hồi, thảo quả, rau mùi, thì là, đinh hương, quế, và hạt tiêu, các gia vị rất đặc trưng của phở Việt Nam. Cảm hứng cho món tráng miệng ngọt ngào đến ngẫu nhiên từ mùi thơm của gia vị nướng ở một hàng phở gần nhà máy socola”.
Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với Vincent Mourou, Founder & CEO của Marou khi công ty vừa nhận được đầu tư từ Mekong Capital.
Tôi không đơn độc dù Sam không còn ở đây
* Anh có cảm thấy áp lực khi nhận vốn từ Mekong Capital?
Chúng tôi không cảm thấy áp lực thực sự nào từ Mekong Capital bởi cùng với Sam, chúng tôi đã đặt ra tầm nhìn của Marou trong tương lai và Mekong Capital tới để giúp chúng tôi thực hiện tầm nhìn đó. Chúng tôi chia sẻ nhiều giá trị chung và các phương pháp trong hoạt động kinh doanh.
Khi gặp Chris và Chad (hai Tổng Giám Đốc của Mekong Capital), chúng tôi cảm thấy rất thoải mái với họ bởi câu chuyện không chỉ xoay quanh doanh thu. Chúng tôi ở đây để cùng nhau khởi đầu một chặng đường mới.
* Tôi rất tiếc khi nghe câu chuyện của Sam, tương lai của Marou có thay đổi không khi chặng đường tới đây anh sẽ phải độc hành?
Tôi đã mất một người bạn tuyệt vời, một người rất đặc biệt trong cuộc đời. Tôi có đơn độc không ư? Tất nhiên, không có Sam mọi thứ rất khác, nhưng tôi không đơn độc. Bạn biết đấy, chúng tôi đã xây dựng nên một đội ngũ hùng hậu như ngày hôm nay.
Trước khi qua đời, Sam đã sang Pháp một thời gian và tôi đã học cách làm việc một mình. Và giờ anh ấy đã ra đi, nhưng tôi luôn tự hỏi bản thân, Sam sẽ nghĩ gì khi anh ấy ở đây? Điều chúng tôi muốn là phải tiếp tục hành trình này cùng nhau, tạo ra những giá trị cho Marou.
Sam luôn sát cánh cùng tôi. Anh ấy vẫn ở đây.
* Nhìn lại 10 năm lập nghiệp tại Việt Nam, anh đã đạt được gì?
Thành tựu đầu tiên là chúng tôi đã tạo ra loại socola rất ngon. Điều này rất quan trọng bởi chúng tôi không muốn làm ra những thứ gì đó bình thường hoặc quá đơn giản. Chúng tôi đã tạo ra một quy trình làm socola chưa từng có ở đâu trên thế giới. Đó là tạo ra thanh socola trên đất Việt Nam, với tôn chỉ bean-to-bar (từ hạt cacao đến thanh socola thành phẩm).
Chúng tôi muốn chứng minh với thế giới rằng, chúng tôi có thể tạo ra một loại socola tuyệt hảo tại chính nơi sinh ra hạt cacao, mà không cần phải nhập khẩu nguyên liệu từ nơi khác. Chúng tôi tạo ra một mô hình mà ở đó vừa là một xưởng sản xuất nhỏ, vừa là quán cafe và khách hàng có thể tới để trải nghiệm các sản phẩm từ socola. Và chúng tôi đã thành công với Maison Marou.
Chúng tôi đã đạt được nhiều giải thưởng, chúng tôi cũng đã được lên New York Times, rất là phấn khích bởi tôi là một fan trung thành của tờ báo này. (cười)
Năm 2020 cũng là một năm không dễ dàng và kết quả đạt được nhờ tất cả mọi người trong công ty và chúng tôi đã vượt qua cơn bão.
Điều khó tin trong đại dịch và “cú đánh lớn” của Marou
* Vậy Marou đã vượt qua năm 2020 như thế nào, khi cả thế giới – không chỉ Việt Nam phải vật lộn với COVID-19 và các đợt cách ly xã hội?
Năm 2020 khách du lịch quốc tế không đến Việt Nam đã ảnh hưởng đến doanh thu của chúng tôi. Nhưng Marou vẫn mở cửa và tập trung vào khách địa phương.
COVID-19 ảnh hưởng đến tất cả mọi người, từ ngành thực phẩm, nhà hàng, khách sạn. Nhưng một điều đáng ngạc nhiên đó là doanh thu xuất khẩu của chúng tôi tăng 50%.
Bạn biết đó, ăn socola có thể giúp người ta giảm stress. Đó là những gì xảy ra ở phương Tây trong năm qua, khi các nước lockdown thì mọi người ăn socola nhiều hơn. Nhờ đó, doanh số xuất khẩu socola của Marou đã tăng 50% trong năm qua. Thật khó tin phải không?
* Tôi được biết sắp tới Marou sẽ cho ra mắt các Marou Station. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về mô hình này, nó khác gì các cửa hàng hiện nay?
Marou Station sẽ là một cú đánh lớn của chúng tôi, giúp chúng tôi tiếp cận nhiều hơn đến khách hàng nội địa. Các “trạm Marou” sẽ mang các sản phẩm chất lượng đến nhiều khách hàng hơn.
Các “trạm” này sẽ nhỏ hơn, đó là lí do chúng tôi gọi là station, nó có thể được đặt tại các trung tâm thương mại, sân bay… Trong tương lai chúng tôi có thể nhân rộng mô hình này trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
* Với kế hoạch mở rộng như vậy, Marou sẽ kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào như thế nào khi nguyên tắc là phải chọn từng bao cacao một?
Thành thực mà nói, ở thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn ổn và sẽ ổn trong một hai năm tới. Còn sau đó, có thể bạn sẽ giúp chúng tôi đưa ra ý tưởng (cười). Chúng tôi cũng mở rộng đội ngũ và tìm nhiều nguồn cung ứng đa dạng hơn.
Tôi rất tự hào khi nói rằng chúng tôi là công ty sản xuất socola duy nhất trên thế giới kiểm tra đến từng bao cacao mà chúng tôi mua. Không ai làm điều đó cả.
Khi chúng tôi mới bắt đầu sản xuất, người nông dân đã nghĩ bọn tôi thật điên rồ. Bạn biết đó, không có ai đi nếm thử cacao cả. Nhưng chúng tôi đến trang trại, mở từng bao cacao một. Còn những người khác, họ chỉ mở một bao và sau đó ok, mua hết các bao còn lại, nhưng với một mức giá rất thấp.
Còn chúng tôi ư, chúng tôi mở một bao, lấy một nắm cacao trên tay, ngửi chúng, sau đó cắt một hạt cacao ra làm đôi và quan sát màu sắc bên trong nó. Màu sắc sẽ cho biết hạt cacao đã lên men tốt hay chưa. Nếu chưa lên men hoàn chỉnh nó có màu tím, còn lên men tốt nó có màu nâu. Chúng tôi cũng phải xem xét xem có nấm mốc hay không. Khá mất thời gian nhưng cũng rất thú vị bởi khi ở trang trại, chúng tôi sẽ có kinh nghiệm khi nhìn các hạt cacao và từ đó tạo ra các thanh socola với chất lượng tốt nhất.
Chất lượng socola tuyệt vời luôn đến từ những hạt cacao chất lượng từ tự nhiên.
Làm socola bền vững với môi trường cùng nông dân Việt Nam
* Điều khó khăn nhất trong 10 năm khởi nghiệp ở Việt Nam của anh là gì?
Khó khăn nhất là kiểm soát chất lượng của hạt cacao đầu vào. Không dễ để người nông dân hiểu tại sao chúng tôi yêu cầu một số điều nhất định và phải đảm bảo nó phải được thực hiện đúng như vậy.
Một số thách thức khác đến từ môi trường, ý tôi là Đồng bằng Sông Cửu Long đang phải đối mặt với vấn đề nhiễm mặn, hạn hán và nó làm chết cây cacao.
Các giải pháp lâu dài cho các vấn đề này là gì? Đó là chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề môi trường. Và năm 2020, cộng thêm cả COVID-19. Đó thực sự là những thách thức lớn.
* Anh có thể chia sẻ một kỉ niệm đáng nhớ nhất khi làm những loại socola, đặc biệt như vị phở chẳng hạn?
Oh, ý tưởng xuất phát từ một sự tình cờ. Ở gần xưởng sản xuất socola của chúng tôi có một tiệm phở mà chúng tôi thường xuyên lui tới vào bữa trưa. Một ngày nọ chúng tôi đến và thấy đầu bếp ở đó đang rang hạt hồi để nấu món phở. Và Sam, chính Sam cảm thấy rất tò mò và đã hỏi công thức cùng các gia vị cô ấy làm như thế nào. Tất nhiên cô ấy rất ngạc nhiên.
Chúng tôi nói rằng chúng tôi không lấy bí mật nấu phở, nhưng sẽ rất thú vị nếu mang loại gia vị này để tạo ra một hương vị socola đặc biệt. Và thế là socola vị phở ra đời.
Sắp tới đây chúng tôi sẽ cho ra mắt một loại socola mới – vị muối tiêu chanh, và chúng tôi sử dụng toàn bộ hạt tiêu được trồng ở Đắk Lắk.
Sẽ luôn luôn có những điều thú vị sắp tới.
* Giá cả Marou không rẻ nếu so sánh với socola thế giới, làm thế nào anh có thể cạnh tranh với các sản phẩm ở các thị trường khó tính như Châu Âu, Pháp, Nhật?
Đúng là giá xuất khẩu sẽ đắt vì phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào. Hãy nhìn sang Châu Phi, nơi có những vấn đề lớn về môi trường bởi họ không phát triển đúng cách. Ở đó, các công ty công nghiệp lớn trả giá cacao với giá rẻ mạt và chấp nhận chất lượng socola thành phẩm ở mức thấp.
Chúng tôi không như vậy. Chúng tôi muốn tạo ra tác động tích cực từ những việc mình làm. Do đó, khi làm việc với người nông dân, chúng tôi muốn họ tạo ra các sản phẩm chất lượng và bền vững cả với môi trường. Chúng ta đã lấy đi quá nhiều từ thiên nhiên: đất bị xói mòn, hạn mặn….
Tôi nghĩ rằng các sản phẩm của chúng tôi có một mức giá hợp lý vì cách làm của chúng tôi khác. Chúng tôi thực sự muốn tạo ra mối quan hệ bền vững với môi trường và với những nông dân chúng tôi làm việc cùng.
Chúng tôi muốn là công ty truyền cảm hứng nhất
* Anh có kỳ vọng phát triển Marou thành một đế chế bánh kẹo giống như các đế chế socola trên thế giới không?
Bên cạnh việc phát triển thêm nhiều cửa hàng, và tăng quy mô của nhà máy, chúng tôi muốn xây dựng Marou trở thành một trong những công ty truyền cảm hứng nhất. Chúng tôi không muốn trở thành “lớn nhất” nhưng sẽ là công ty được yêu mến từ tất cả các doanh nghiệp.
Bạn biết đấy, chúng tôi luôn quan tâm đến mối quan hệ của chúng tôi với môi trường, với những người khác, với các bên liên quan như người nông dân chẳng hạn. Chúng tôi sẽ phát triển nhiều dự án cacao hơn với người nông dân, với các phương pháp canh tác mới ít tác động tới môi trường. Điều đó sẽ giúp chúng tôi trở thành một trong những công ty socola truyền cảm hứng cho thế giới về phát triển bền vững.
* Câu hỏi cuối cùng, tôi biết rằng vợ anh cũng khởi nghiệp một công ty chuyên sản xuất mỹ phẩm chiết xuất từ trái dừa Việt Nam. Anh có thể chia sẻ tại sao hai anh chị lại yêu quý Việt Nam và chọn Việt Nam làm nơi khởi nghiệp?
Lần đầu tiên tôi gặp vợ tôi tại cửa hàng Marou (cười), cô ấy là khách hàng của tôi. Khi chúng tôi gặp nhau cô ấy đã điều hành một công ty nhỏ để làm ra các sản phẩm mỹ phẩm thiên nhiên từ dầu dừa tốt nhất tại Việt Nam, cô ấy đã từng có thời gian làm việc tại L’Oreal. Cô ấy có kinh nghiệm trong ngành mỹ phẩm và cô ấy muốn làm một cái gì đó đến từ thiên nhiên.
Tại sao lại chọn Việt Nam ư? Lần đầu đến đây tôi chỉ là một khách du lịch. Tôi đến đây để tìm lại bản thân. Tôi muốn làm điều gì đó khác biệt trong cuộc đời mình.
Tôi đã làm trong ngành sản xuất film và tôi cảm thấy mệt mỏi. Tôi đã quyết định du lịch đến Việt Nam, Lào và Campuchia. Tôi cảm thấy Việt Nam là một nơi rất đặc biệt. Tôi có một người bạn sống tại đây và điều đó rất thú vị.
Tôi thích khí hậu ở Sài Gòn, khá là mát mẻ. Ở đây đa phần là thanh niên trẻ với một nguồn năng lượng mãnh liệt. Và tôi đã nghĩ rằng, ồ, có nhiều thứ tôi có thể thử tại đây.
Rồi một ngày có người nói với tôi về hạt cacao, tôi thích socola và nhận ra đó chính là mục đích mình cần theo đuổi. Khi gặp Samuel, tôi cảm thấy có thể chia sẻ với anh ấy và một ngày chúng tôi quyết định sẽ làm điều gì đó cùng nhau. Đó là khoảng thời gian rất thú vị trong cuộc đời tôi và đó cũng là khoảng thời gian rất thú vị ở Việt Nam.
Có rất nhiều điều cần phải làm và đôi khi chúng tôi đã tự hỏi bản thân, vì sao Việt Nam có thể trồng cây cacao mà tại sao không có ai chế biến cacao ở Việt Nam?
Nếu bạn tạo ra một sản phẩm chất lượng, bạn có thể thu hút được sự quan tâm và yêu thích từ rất nhiều người. Tôi tin vào điều đó. Nếu bạn làm điều gì hãy làm hết sức mình. Và tôi cũng tập trung làm một điều thật tốt – đó là sản xuất socola (cười).
Châu Cao
Nguồn: Brandsvietnam