Amazon hậu Jeff Bezos
Có vẻ như Amazon đang tìm kiếm một động cơ mới có thể giúp bánh xe tăng trưởng tiếp tục quay nhanh trong một thời đại hậu Jeff Bezos.
Trong những ngày đầu của Amazon, nhà sáng lập Jeff Bezos luôn nói rằng có một loại hình quảng cáo mà tập đoàn thương mại điện tử này không thể đụng vào như súng. Điều đó đã xảy ra với khẩu súng Walther PPK của James Bond. Khi các nhà sản xuất phim Skyfall, một bộ phim về điệp viên 007 ra mắt vào năm 2012, muốn chạy một mẫu quảng cáo trên website của Amazon, hãng thương mại điện tử này trả lời rằng điều đó là không thể vì vi phạm chính sách về quảng cáo vũ khí của công ty.
Gần 10 năm sau, câu chuyện này – một trong vô số mẫu chuyện hay được kể lại trong cuốn sách mới nhất của Brad Stone có tựa đề Amazon Unbound – lại được nhắc đến giữa những thông tin cho rằng Amazon đang đàm phán mua lại Metro-Goldwyn-Mayer (MGM), một trong những chủ sở hữu series phim James Bond, với giá 9 tỉ USD.
Cuốn sách được viết bởi một người đã theo dõi sâu sát Amazon phần nào trả lời câu hỏi mà nhiều người thắc mắc khi Jeff Bezos, một trong những doanh nhân xuất sắc nhất thế giới, chuẩn bị rời chiếc ghế nóng vào mùa hè này: Liệu “gã khổng lồ” thương mại điện tử và điện toán đám mây, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm về doanh thu tới hơn 40% trong hơn 2 thập kỷ qua, có mất đà nếu thiếu đi bộ óc siêu việt Jeff Bezos? Liệu Amazon có giống như series phim James Bond sẽ tiếp tục thăng hoa dù thay nhân vật chính?
Baillie Gifford, một nhà đầu tư lớn của Amazon, đã có câu trả lời. Công ty quản lý tài sản này đang cắt giảm số cổ phần nắm giữ ở Amazon. Để giải thích tại sao công ty không còn tha thiết với Amazon sau 15 năm ở vai trò cổ đông, Baillie Gifford đã mượn câu nói của Bezos về Day One ở Amazon, một văn hoá và một mô hình hoạt động luôn đặt khách hàng ở trung tâm mà Amazon làm, luôn giữ vững tinh thần cải tiến táo bạo cùng một tầm nhìn tập trung dài hạn. Baillie Gifford nói với các nhà đầu tư của mình rằng: “Amazon giờ đây chỉ có thể được xem là một khoản đầu tư có giá trị tốt, an toàn và có thể chấp nhận được. Nó không bao giờ còn có một CEO sáng lập. Chúng tôi sợ rằng với phong cách không thể bắt chước được ở Bezos, nó không còn là Day One ở Amazon dù đường đi phía trước vẫn dài và sinh lợi”.
Có nhiều điều trong cuốn sách của Brad Stone đã mô tả đặc điểm này. Trung tâm vũ trụ của Amazon chính là quyền năng vô hạn và tuyệt đối của Bezos bên trong doanh nghiệp này. Sự nhạy bén trong kinh doanh của ông là một huyền thoại.
Đó còn là vai trò của ông như một bậc thầy về cải tiến nội bộ trong mọi thứ từ Alexa, một trợ lý ảo giọng nói cho đến nhãn hàng riêng Single Cow Burger, nỗi ám ảnh của ông đối với tiêu chuẩn cao, sự bao dung của ông với những thất bại khi triển khai những ý tưởng vĩ đại, sự tập trung sâu sát của ông vào cốt lõi tài chính cũng như khả năng chú ý đến từng chi tiết. Cho dù Andy Jassy, người kế vị của ông, có được đào tạo theo đuôi Bezos đến đâu đi nữa, vị CEO mới có thể thiếu tinh thần sáng tạo, một điểm chung được thấy ở Bezos và Steve Jobs, nhà sáng lập Apple đã quá cố.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là những gì còn ở lại Amazon sau khi Bezos ra đi. Mặc dù có thời gian Bezos đã quay trở lại điều hành hằng ngày trong giai đoạn dịch bệnh vào năm ngoái, nhưng sự quan tâm của ông dành cho Amazon chỉ còn một nửa vì Bezos đang theo đuổi những đam mê riêng như chinh phục không gian vũ trụ.
Jassy có cùng một số đặc tính với Bezos như tính kỷ luật nghiêm khắc. Dưới sự giám sát của ông, mảng đám mây Amazon Web Services, nguồn lợi nhuận lớn nhất của Amazon, đã cho thấy văn hoá tiêu chuẩn cao và sức cạnh tranh bền bỉ giống như công ty mẹ. Kể từ khi gia nhập Amazon vào năm 1997, Jassy đã thấm nhuần những giá trị ở Amazon như tính cần kiệm.
Jassy có thể nhún nhường hơn Bezos khi đối mặt với các vấn đề của công ty: một nền tảng thương mại điện tử bị các nhà kinh doanh cáo buộc rằng cạnh tranh không công bằng, với vô số trò lừa đảo trên nền tảng; những nhân viên kho bãi đòi hỏi mức lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn; sự săm soi của cơ quan chức trách ở Mỹ và Châu Âu. Hiện Amazon đang chi tiêu khá hào phóng vào vấn đề sức khoẻ lao động và các chương trình phúc lợi cho nhân viên.
Trước mắt, nhiệm vụ cam go nhất của Jassy là làm sao giải bài toán về quy luật của các con số lớn. Với doanh thu lên tới 386 tỉ USD vào năm ngoái và vốn hoá thị trường lên tới 1.600 tỉ USD, Jassy sẽ không dễ dàng giữ cho bánh xe khổng lồ này lăn nhanh, đặc biệt khi các lực đẩy tiềm năng như thị trường Ấn Độ đang đi xuống. Năm ngoái, chi phí vốn của Amazon đã lên tới 40 tỉ USD, mà một số ý kiến cho rằng không chắc gì không bị lãng phí trong quá trình tiêu pha.
Những câu hỏi như vậy khiến cho thương vụ thâu tóm MGM (vẫn đang trên bàn đàm phán) càng thu hút sự chú ý. Thậm chí với giá 9 tỉ USD, cũng dễ dàng để Amazon dốc túi, nhất là khi thương vụ này sẽ tạo trợ lực rất lớn cho các tham vọng streaming của Amazon khi đưa James Bond, Rocky, RoboCop, các phim và tài sản truyền hình khác về chung một nhà, góp phần củng cố dịch vụ Prime đang tăng trưởng nhanh của Amazon.
Năm ngoái, Amazon đã chi tới 11 tỉ USD vào truyền hình, phim ảnh và âm nhạc cho Prime, tăng từ mức 7,8 tỉ USD của năm 2019. Công ty cũng đang tích cực thâu tóm các bản quyền thể thao trực tiếp, trong đó có một thương vụ với Giải Bóng bầu dục Quốc gia (NFL) với giá trị khoảng 1 tỉ USD mỗi năm để phát sóng chương trình Thursday Night Football. Trong một lá thư gửi cho cổ đông gần đây, Bezos nói rằng Amazon đã vượt qua 200 triệu thuê bao Prime.
Cùng lúc đó, giữa tháng 5/2021, Amazon tuyên bố sự trở lại của Jeff Blackburn, cựu nhà điều hành đã từng giúp xây dựng dịch vụ streaming Prime. Ông sẽ trở về đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch cấp cao của bộ phận giải trí và truyền thông toàn cầu, giám sát Amazon Studios, Audible, Twitch và các mảng liên quan khác. Động thái này được xem là củng cố tham vọng của Amazon ở Hollywood.
Điều này có thể được hiểu rằng Amazon hậu Jeff Bezos sẽ được ghi dấu bởi một cuộc thập tự chinh nhằm tìm kiếm động cơ mới mang lại tăng trưởng nhanh cho tập đoàn, giúp củng cố và liên kết chặt chẽ các mảng giải trí, quảng cáo và mua sắm với nhau. Một số ý kiến cho rằng rất có thể đây là một dấu hiệu cho một thời đại mới cạnh tranh giữa các “gã khổng lồ” công nghệ của Mỹ. Như một nhà quan sát chỉ ra, Amazon đang tìm cách phá bĩnh thị trường giải trí dành cho số đông trước khi Facebook và Google phá bĩnh ngành mua sắm.
Quốc Ngô
Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư