Trỗi dậy trong những năm qua, các công ty công nghệ Châu Á có đuổi kịp phương Tây?
Theo Tech in Asia, nhiều nhà quan sát từ lâu đã báo trước sự trỗi dậy của thị trường Châu Á. Nhưng có thực sự bắt kịp với phương Tây?
Trong 5 năm qua, tỉ lệ các công ty lớn của Châu Á trong danh sách Global 500 của Fortune đã tăng từ 38% lên 42,2%. Tính đến năm 2020, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng là nơi có số lượng kỳ lân lớn thứ hai trên toàn cầu, riêng Trung Quốc đã chiếm 23,8% tổng số kỳ lân toàn cầu.
Công nghệ của Châu Á đã phát triển mạnh trong thập kỷ qua
Rõ ràng, bối cảnh công nghệ của Châu Á đã phát triển trong thập kỷ qua, nhưng nó có đang bắt kịp phương Tây hay không. Sau đây là cái nhìn tổng quan về hệ sinh thái công nghệ của khu vực.
Chỉ 5 trong số 20 công ty công nghệ hàng đầu thế giới tính theo vốn hoá thị trường đến từ Châu Á. Apple dẫn đầu toàn cầu với mức định giá hơn 2.200 tỉ USD, trong khi Tencent dẫn đầu Châu Á với mức định giá 776 tỉ USD.
Khi so sánh định giá tổng hợp của 10 công ty công nghệ lớn nhất Châu Á với phương Tây, công ty phương Tây chiếm tổng vốn hoá thị trường cao gấp 3 lần so với công ty phương Đông. Các công ty công nghệ phương Tây cũng tập trung nhiều hơn về mặt địa lý, với 9/10 trong số họ có trụ sở chính tại Mỹ.
Định giá tổng hợp của 10 công ty công nghệ hàng đầu châu Á theo tỉ lệ phần trăm tổng GDP của nước họ. Ảnh: Companies MarketCap
Các con số cho thấy định giá tổng hợp của các công ty công nghệ phương Tây lớn hơn nhiều so với các công ty Châu Á về con số tuyệt đối. Khi lấy những con số này làm tỉ lệ phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội của các quốc gia sở tại của các công ty, xu hướng là giống nhau.
Các công ty phương Tây đóng góp rất lớn cho các nền kinh tế mà họ hoạt động, cao hơn khoảng 2,5 lần so với đóng góp của các công ty công nghệ hàng đầu Châu Á cho thị trường địa phương của họ.
Phần lớn các công ty công nghệ phương Tây có trụ sở tại Mỹ, điều này đã trở thành một nhân tố trong các cuộc thảo luận về bất bình đẳng doanh nghiệp. Trong những năm qua, mối quan tâm từ công chúng đã tăng lên về việc liệu các công ty lớn có khả năng kìm hãm sự cạnh tranh khi họ ngày càng cố gắng vươn lên trong nền kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, định giá của Amazon, Apple, Google và Facebook tăng trung bình 50% kể từ tháng 3 năm ngoái, ngay cả khi đại dịch ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ. Không thể chờ đợi cơn bão và sự thay đổi không thể đoán trước của nhu cầu, hơn 2,5% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Mỹ đã phá sản trong khoảng thời gian từ tháng 3-7/2020.
Điều gì làm nên sự khác biệt trên?
Đầu tiên, các công ty công nghệ lớn của Mỹ, cụ thể là Apple, Alphabet, Microsoft, Amazon và Facebook, vốn đã thống trị bục vinh quang trong suốt khoảng thời gian dài. Do vậy, những đối thủ mới nổi như Tencent và Tesla chắc chắn phải chạy đua để thu hẹp khoảng cách với các Big Tech phương Tây.
Thứ hai, các công ty công nghệ lớn của Mỹ cũng tỏ ra vượt trội so với đối thủ theo thời gian. Năm 2016, định giá kết hợp của họ là 2.600 tỉ USD. Con số này cao hơn gần 1,5 lần so với mức định giá kết hợp của 17 công ty Châu Á. Đến năm 2020, con số đó đã tăng lên 1,64 lần.
Thứ ba, không thể nhầm lẫn rằng khoảng cách giữa 5 công ty công nghệ hàng đầu của phương Tây và các đồng nghiệp Châu Á của họ đang ngày càng rộng ra. Vào năm 2016, Tencent và Alibaba có vẻ như sẽ bắt kịp và thậm chí vượt qua Facebook và Amazon. Vẫn có khả năng 1 trong 2 công ty có thể giành được vị trí thứ 5 từ Facebook, nhưng họ sẽ cần phải tăng gấp đôi nếu muốn thu hẹp khoảng cách với Amazon và các công ty dẫn đầu khác.
Phùng Mỹ
Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư