“Ông lớn” ngành chuyển phát tăng trưởng 30-60% nhờ thương mại điện tử

Tháng Năm 13, 2021by VinhKhang0
pha1ttuvanthuanthanh_chuyen_phat_tang_truong_nho_thuong_mai_dien_tu-e1622156517518.jpg

Trong năm 2020, quy mô thương mại điện tử chỉ tăng 15% song sản lượng bưu phẩm gửi qua dịch vụ chuyển phát đã tăng tới 47%. Trong đó, những “ông lớn” ngành chuyển phát tăng trưởng bưu phẩm gửi từ 30% tới 60%.

Theo Báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 từ Google, Temasek và Bain&Company, quy mô của thị trường TMĐT Việt Nam năm 2020 ước tính tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỉ USD. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến tăng 46%; gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%; tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%; riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%.

Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và đến năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỉ USD.

Đồng thời, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng vừa công bố báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2020 với mức tăng trưởng khoảng 15%, đạt quy mô khoảng 13,2 tỉ USD.

Mặc dù mức tăng trưởng năm 2020 thấp hơn giai đoạn 2016-2019 (trung bình tăng 30%) nhưng VECOM vẫn dự đoán, thị trường TMĐT sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021 cũng như giai đoạn đến năm 2025.

Tăng trưởng TMĐT thúc đẩy dịch vụ hậu cần phát triển

Cùng với mức tăng trưởng của thương mại điện tử, VECOM cũng chỉ ra rằng các ngành hậu cần cho TMĐT như chuyển phát, kho bãi và logistics chính là đối tượng được “hưởng lợi” nhiều nhất và đạt mức tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, theo khảo sát từ VECOM trong khi quy mô TMĐT chỉ tăng 15% năm 2020, sản lượng bưu phẩm gửi qua dịch vụ chuyển phát năm 2020 đã tăng tới 47%. Trong đó, những doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu có mức tăng trưởng bưu phẩm gửi từ 30% tới 60%.

Thị trường chuyển phát cạnh tranh, “ông lớn” vẫn giữ vai trò chủ đạo

Khảo sát từ VECOM cũng cho thấy, tỷ lệ bưu gửi của Hà Nội và TP.HCM vẫn chiếm tới khoảng 60% tổng sản lượng bưu phẩm của cả nước.

Trong đó, thị phần giao nhận hàng hoá tại 2 thành phố này vẫn chủ yếu tập trung vào các “ông lớn” Viettel Post, Vietnam Post và các đơn vị tầm trung như EMS, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm.

Tại Hà Nội, Viettel Post chiếm tới 52% thị phần, cao nhất trong các hãng chuyển phát, Vietnam Post chiếm 20% thị phần, 30% còn lại được chia cho Giao hàng nhanh (10%), Giao hàng tiết kiếm (9%), EMS (4%) và các doanh nghiệp chuyển phát nhỏ lẻ khác (5%).

Còn tại TP.HCM, thị phần được chia cho các hãng chuyển phát nhỏ lẻ nhiều hơn, khi số doanh nghiệp này chiếm tới 35% thị phần. Tiếp đó, Viettel Post vẫn là đơn vị có thị phần cao nhất với 28%, Vietnam Post (15%), EMS (10%), Giao hàng tiết kiệm (7%) và Giao hàng nhanh (5%).

Như vậy, tính chung toàn thị trường, Viettel Post vẫn có thị phần áp đảo và giữ vai trò chủ đạo. Trong đó, “vũ khí” mạnh mẽ nhất của Viettel Post với các đối thủ chính là hệ sinh thái khép kín.

Nhờ việc ra mắt ứng dụng sàn vận chuyển đa phương thức gọi xe MyGo và sàn thương mại điện tử Vỏ Sò giúp doanh nghiệp này hiện thực hoá mục tiêu chuyển dịch từ một công ty bưu chính chuyển phát thành công ty logistics dựa trên nền tảng công nghệ cao. Trong ngành bưu chính, Viettel Post đã tự mình hoàn thiện một hệ sinh thái đa dạng, từ thương mại điện tử, chuyển phát và gọi xe trực tuyến.

Vỏ Sò và MyGo hiện đang là 2 đơn vị trợ giúp đắc lực cho “xương sống” chuyển phát của Viettel Post thông qua việc gia tăng số lượng đơn hàng, rút ngắn thời gian giao hàng nội thành.

Nhờ đó, Viettel Post đã từng bước chiếm lĩnh thị phần hoạt động giao hàng, chuyển hàng trong ngành thương mại điện tử. Ngoài ra, đơn vị này cũng đẩy mạnh số hoá mảng logistics bằng việc đưa vào hoạt động hệ thống băng chuyền chia chọn tự động hiện đại nhất Việt Nam… hay ứng dụng số hoá và nỗ lực chuyển đổi số toàn bộ quy trình vận hành.

Nguyễn Thắm
Nguồn: BizLive

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button