Các ứng dụng gọi xe chạy đua “cắt máu” để giành thị trường

Tháng Mười 2, 2018by VinhKhang0
photo1537762412574-1537762412575429828365-e1538449717369.jpg

GoViet, Grab, FastGo… tiếp tục “đốt tiền” trong cuộc chạy đua khuyến mại giành khách hàng, tài xế nhằm chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam.

Cuộc đua “đốt tiền” của các ứng dụng gọi xe

Trong cuộc đua “đốt tiền” này, nhiều ứng dụng gọi xe tại Việt Nam rõ ràng đang ở “thế yếu”. Chỉ sau một thời gian ngắn Uber rời Việt Nam, hàng loạt ứng dụng gọi xe liên tiếp ra mắt. Hàng loạt những cái tên mới như ABER, Vato, T.Net, Xelo,…lần lượt ra đời nhằm nắm bắt cơ hội khi Uber rút lui. Dù vậy, trong cuộc chiến với Grab, các ứng dụng này chưa có được lợi thế. Đến thời điểm hiện tại, ABER thông báo tạm dừng ứng dụng. Vato (sau khi tuyên bố có được đầu tư từ Phương Trang chỉ hoạt động mạnh ở Tp.HCM). T.Net hay Xelo cũng chưa tạo ra được tiếng vang thực sự.Đổ tiền vào khuyến mại để chiêu mộ tài xế và thu hút khách hàng là những bước đi quen thuộc của tất cả các ứng dụng gọi xe mới ra mắt muốn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Cuộc đua này chỉ giành cho các doanh nghiệp có tiềm lực và được hậu thuẫn về kinh tế.

Trong khi đó, các ứng dụng của các hãng taxi truyền thống hoạt động khá yếu ớt. Chẳng hạn, liên minh G7 do một số hãng taxi tạo ra hay ứng dụng Mai Linh Bike cũng không được nhiều người biết đến.

Dưới sự hậu thuẫn từ Go-Jek (Indonesia), Go-Viet đã chính thức triển khai hoạt động rầm rộ tại TPHCM hồi đầu tháng 8 sau một thời gian thử nghiệm và khuyến mại là điều khiến khách hàng, tài xế biết tới ứng dụng này nhiều hơn.

Hiện, Go-Viet cung cấp 2 dịch vụ là đặt xe 2 bánh Go-Bike để và giao hàng Go-Send. Ngay khi ra mắt, Go-Viet đã gây “sốc” khi tung chiêu khuyến mãi đồng giá 5.000 đồng cho những chuyến đi dưới 8 km cho khách hàng và thưởng thêm để đảm bảo thu nhập tối thiểu 30.000 đồng/chuyến đối với tài xế. Thậm chí trong sự kiện ra mắt ở Hà Nội, Go-Viet đã để khách hàng đi với mức giá gần như “cho không”. Đồng thời, kéo dài mức khuyến mại đồng giá 10.000 đồng cho tất cả các chuyến đi mà vẫn đảm bảo thu nhập cho tài xế.

Chiêu khuyến mãi của Go-Viet đã thu hút được lượng không nhỏ các đối tác tài xế trong đó, có không ít các đối tác tài xế của Grab. Đến hết tháng 8, cả 2 dịch vụ của Go-Viet đã có mặt tại hầu hết các quận tại TP.HCM và nhanh chóng mở rộng hoạt động ra Hà Nội vào tháng 9.

Trong khi đó, dù không mạnh tay như Go-Viet nhưng ngay từ khi ra mắt, FastGo cũng liên tục phát đến khách hàng sử dụng thanh toán thẻ các mã giảm giá và tung các chiến dịch thưởng cuốc để thu hút tài xế.

Trước áp lực cạnh tranh của hai đối thủ mới, Grab cũng có những động thái để giữ chân cả tài xế và khách hàng. Grab tiếp tục đổ tiền cho hàng loạt khuyến mại ở tất cả các dịch vụ và tất nhiên vẫn đang có thế mạnh. Khách hàng sử dụng GrabPay liên tục được hưởng các chuyến đi “0 đồng” và các chương trình thưởng cho tài xế vẫn liên tục kéo dài.

Nóng bỏng cuộc chiến giành thị phần

Với sự hậu thuẫn tài chính và công nghệ của Go-Jek, Go-Viet tỏ rõ tham vọng muốn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. CEO Go-Jek từng cho hay chỉ sau 6 tuần ra mắt, Go-Viet đã có 1,5 triệu lượt tải và đạt 35% thị phần tại TP.HCM.Sau khi Uber rút lui, Grab thành công chiếm lĩnh thị phần ứng dụng gọi xe tại thị trường Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Dù vậy, Grab đang gặp phải áp lực cạnh tranh không nhỏ từ các ứng dụng gọi xe công nghệ mới vừa ra mắt. Trong đó, FastGo và Go-Viet đang được xem là hai đối thủ lớn nhất hiện nay tại Việt Nam khi liên tục mở rộng hoạt động nhằm giành được thị phần gọi xe qua ứng dụng.

Giữa tháng 9, Go-Viet cũng tấn công thị trường Hà Nội. Đồng thời cho biết sẽ phát triển thêm Go-Car (nền tảng gọi xe ô tô), Go-Food (giao đồ ăn) và Go-Pay (ví điện tử) hay loạt dịch vụ khác như gọi phục vụ làm đẹp tại nhà, gọi nhân viên massage, đi chợ hộ, dọn nhà…

Còn FastGo, ngoài sự hậu thuẫn khi nằm trong hệ sinh thái của NextTech, FastGo cũng vừa nhận được vốn từ quỹ đầu tư VinaCapital Ventures sau biên bản thỏa thuận đầu tư chiến lược vừa được ký kết. Đây được xem là lợi thế không nhỏ của một ứng dụng Việt trong cuộc đối đầu với hai “ông lớn”.

Cũng theo tiết lộ, sau gần 3 tháng chính thức hoạt động, FastGo đã ghi nhận gần 15.000 đối tác lái xe đăng ký tham gia và hơn 50.000 khách hàng đăng ký ứng dụng tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Theo kế hoạch công bố, FastGo sẽ mở rộng dịch vụ ra 8 thành phố lớn trong năm 2018 và toàn quốc vào 2019.

Trong khi đó, dù không tiết lộ thị phần, Grab cho biết đang có trên 170.000 đối tác tại Việt Nam. Đồng thời khi các tân binh còn đang thu hút khách hàng thì ứng dụng này đang mở rộng thêm các hoạt động mới ngoài dịch vụ gọi xe. Đáng kể là tham vọng đầu tư vào lĩnh vực tài chính sau khi công bố hợp tác với Moca.

Theo Duy Vũ

ICTNews

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button