Đằng sau việc hơn 89.000 doanh nghiệp rời thị trường năm 2019

Tháng Một 12, 2020by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_doanh_nghiep_2019.jpg

Năm nay số doanh nghiệp thành lập đạt khoảng 138.140 doanh nghiệp (tăng 5,2%), nhưng cũng có đến 89.282 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,2% so với năm ngoái, cho thấy doanh nghiệp trong nước còn đang gặp không ít khó khăn và dễ bị “tổn thương”.

Mỗi tháng có 7.440 doanh nghiệp rút lui

Báo cáo tình hình đăng ký kinh doanh năm 2019, của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy trong số hàng chục ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm nay, có đến 28.731 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 5,9%), 43.711 doanh nghiệp chờ giải thể (tăng 41,7%), 16.840 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 3,2%). Trung bình mỗi tháng có 7.440 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn nói trên tăng nhiều nhất là kinh doanh bất động sản (598 doanh nghiệp, tăng 36,8%); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (265 doanh nghiệp, tăng 25%); sản xuất, phân phối điện, nước, gas (166 doanh nghiệp, tăng 19,4%), dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.502 doanh nghiệp, tăng 14,6%), công nghiệp chế biến, chế tạo (3.656 doanh nghiệp, tăng 10,8%),…

Logistics là lĩnh vực kinh doanh có nhiều điều kiện mà doanh nghiệp phải đáp ứng – Ảnh minh họa: Lê Anh.

Trong khi 43.711 doanh nghiệp chờ giải thể có đến hơn 17.700 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; gần 14.500 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và hơn 11.500 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế. Các doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất thuộc ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 15.996 doanh nghiệp, chiếm 36,6%; xây dựng có 6.058 doanh nghiệp, chiếm 13,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo có 5.376 doanh nghiệp, chiếm 12,3%.

Và trong số 16.840 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể thì doanh nghiệp hoạt động trong ngành kinh doanh bất động sản cũng có tỷ lệ giải thể nhiều nhất (686 doanh nghiệp, tăng 39,4%); y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 103 doanh nghiệp, tăng 47,1%; và tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 208 doanh nghiệp, tăng 30,8%.

Một điểm đáng chú ý khác của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh là trong năm 2019, trên cả nước còn có hơn 46.840 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 43,4% so với năm 2018. Đây là những doanh nghiệp không còn kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, qua kiểm tra của cơ quan thuế thì không tìm thấy và không liên lạc được.

Số lượng doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký tập trung chủ yếu ở các ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (16.035 doanh nghiệp, chiếm 34,2%); xây dựng (7.181 doanh nghiệp, chiếm 15,3%); công nghiệp chế biến, chế tạo có 5.561 doanh nghiệp (chiếm 11,9%).

Vì sao?

Dù biết rằng giải thể hay phá sản doanh nghiệp là một quy luật của nền kinh tế thị trường khi doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh. Thế nhưng số doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động lên đến hơn 89.200 doanh nghiệp trong năm 2019, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái và những năm trước đó cho thấy cần phải nhìn lại môi trường kinh doanh hiện nay.

Theo đánh giá từ kết quả khảo sát của VCCI, môi trường kinh doanh trong thời gian qua dù có nhiều cải thiện nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề từ chính sách đến thực thi. Chỉ tính riêng trong quí 3-2019, VCCI đã tổng hợp được 333 kiến nghị của doanh nghiệp. Trong đó hầu hết liên quan đến pháp luật, phần còn lại liên quan đến yêu cầu sửa đổi chính sách. Kết quả này cho thấy các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh còn mâu thuẫn, chồng chéo.

Và dù Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc yêu cầu các bộ, ngành cắt giảm điều kiện kinh doanh trong nhiều năm trở lại đây, nhưng kết quả khảo sát của VCCI vẫn cho thấy, điều kiện kinh doanh vẫn là trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp. Có tới 18% doanh nghiệp cho biết vẫn phải chờ mất hơn một tháng mới được giải quyết các thủ tục liên quan đến sản xuất, kinh doanh.

Tại hội thảo “Năng lực cạnh tranh Việt Nam: Kết quả và những thách thức đối với doanh nghiệp” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức tại TPHCM vào cuối tháng 10 rồi, các chuyên gia, giới phân tích dù ghi nhận thời gian qua các bộ, ngành có cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết nhưng việc cắt giảm vẫn chưa thực chất, có những điều kiện không phải cắt giảm mà chuyển qua kiểm tra sau thông quan.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tuy đã được cắt giảm đến 50% trong gần 6.000 điều kiện kinh doanh đầu mục, nhưng vẫn còn nhiều trở ngại với doanh nghiệp. Trên thực tế đã có nhiều điều kiện kinhh doanh mù mờ, vô nghĩa đã được cắt bỏ bởi các bộ, ngành, nhưng những điều kiện kinh danh chính yếu, tạo ra quyền cho cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa được cắt bỏ.

Hiện nay có xu hướng các văn bản phân chia quyền quản lý giữa các bộ ngành, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp. “Thời gian qua các bộ, ngành dù có cắt giảm những điều kiện kinh doanh không cần thiết nhưng thực chất không phải cắt giảm mà chuyển qua kiểm tra sau thông quan”, bà Thảo nói. Bên cạnh đó, cùng một quy định chính sách nhưng cách thức thực thi khác nhau, có tình trạng tùy tiện trong áp dụng pháp luật và phần thua luôn thuộc về doanh nghiệp.

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam qua xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019 tăng 3,5 điểm; tăng 10 bậc từ thứ hạng 77 lên thứ hạng 67.

Một thông tin đáng chú ý được công bố tại hội thảo là năng lực cạnh tranh của Việt Nam qua xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019 tăng 3,5 điểm; tăng 10 bậc từ thứ hạng 77 lên thứ hạng 67. Dù năng lực cạnh tranh được đánh giá có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Trong đó nổi lên một số vấn đề như minh bạch về ngân sách năm 2018 đứng thứ 42 nhưng năm 2019 đứng thứ 84; tham nhũng đứng thứ 101, trong khi năm 2018 đứng thứ 91…

Về thứ hạng chung, Việt Nam đứng thứ 70, so với 21 của Thái Lan, 12 của Malaysia và 2 của Singapore. Như vậy, môi trường kinh doanh của Việt Nam trong khu vực ASEAN còn có khoảng cách rất xa so với Singapore, Malaysia và Thái Lan. Mục tiêu của Chính phủ đưa ra là đứng trong tốp 4 ASEAN nhưng xem ra còn khó khăn.

Đáng chú ý, theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia kinh tế, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, nhiều nơi, đặc biệt là các sở, ngành còn bàng quan, vô cảm trước khó khăn của doanh nghiệp. Họ chưa xem khó khăn của doanh nghiệp là của mình.

Phát biểu tại buổi đối thoại với doanh nghiệp vào ngày 23-12 rồi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Chính phủ thấm thía khi mỗi năm có hàng chục ngàn doanh nghiệp giải thể, phá sản, trong đó nhiều doanh nghiệp tên tuổi bị đào thải. Thủ tướng chỉ đạo sẽ tiếp tục hành động, hành động gấp để tháo gỡ nút thắt giúp doanh nghiệp tăng nhanh về số lượng, nhưng phải phát triển bền vững.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2019 là 177.560 doanh nghiệp (tăng 7,4% so với năm 2018), bao gồm: 138.139 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 5,2%) và 39.421 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 15,9%). Trung bình mỗi tháng có 14.797 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

Với 138.139 doanh nghiệp thành lập có số vốn đăng ký là 1.730.173 tỉ đồng, tăng 5,2% về số doanh nghiệp và tăng 17,1% về số vốn đăng ký so với năm 2018. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2019 đạt 12,5 tỉ đồng, tăng 11,2% so với năm 2018.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2019 là 1.254.368 lao động, tăng 13,3% so với năm 2018.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2019 là 4.003.127 tỉ đồng (tăng 3% so với năm 2018), bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 1.730.173 tỉ đồng (tăng 17,1%) và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 2.272.954 tỉ đồng (giảm 5,6%) với 40.076 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn.

Hùng Lê
Nguồn: Saigon Times

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button