TRADE MARKETING – CÔNG CỤ KẾT NỐI KHÁCH HÀNG
Trade Marketing là một hình thức Marketing không còn quá xa lạ với những người làm Marketing và đặc biệt là ngành FMCG. Nó là chuỗi các hoạt động nhằm tổ chức, xây dựng chiến lược ngành hàng, chiến lược thương hiệu trong kênh phân phối tại điểm bán – “Win in Store”.
Có rất nhiều hình thức Trade marketing khác nhau nhưng trên thực tế nhiều doanh nghiệp lại sử dụng cùng một chiến lược tiếp thị thương mại mà không nhận ra mỗi doanh nghiệp khác nhau lại có một đặc thù riêng và cần có công cụ Trade marketing tiếp cận khác nhau. Vậy các công cụ của Trade marketing là gì? Công cụ nào sẽ phù hợp cho doanh nghiệp của bạn?
Trade marketing là hình thức Marketing từ doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B), tất cả mọi hoạt động xúc tiến bán đều nhằm mục đích tăng nhu cầu sản phẩm của các đối tác chuỗi cung ứng khác nhau như nhà bán buôn, nhà bán lẻ, hoặc các nhà phân phối thay vì chỉ ở cấp độ khách hàng.
1. Tham gia các triển lãm thương mại
Triển lãm thương mại là một địa điểm lý tưởng để hình thành các mối quan hệ có lợi cho doanh nghiệp và thực hiện các hoạt động Trade marketing. Đó là nơi có thể thu hút sự chú ý của khách hàng đến thương hiệu, sản phẩm và đặc biệt có được một chân trong cánh cửa hợp tác với các đối tác chuỗi cung ứng quan trọng. Nếu doanh nghiệp đang cần nhà bán lẻ, bán sỉ và nhà phân phối biết về sản phẩm của mình thì đây cũng là môi trường hoàn hảo để nâng cao nhận thức và độ lan tỏa về thương hiệu.
2. Xây dựng chiến lược xúc tiến thương mại
Các chương trình xúc tiến thương mại có thể bao gồm các chương trình khuyến mãi, phiếu giảm giá, giao dịch hàng loạt và các ưu đãi đặc biệt khác để mua,… Hướng đến người tiêu dùng và các đối tác chuỗi cung ứng, các chương trình khuyến mãi thương mại là cách chắc chắn để làm cho thương hiệu của doanh nghiệp nổi bật hơn trong cuộc chiến đầy khốc liệt với hàng loạt thương hiệu khác. Nếu sản phẩm vốn có không có gì quá khác biệt so với đối thủ cạnh tranh, hãy tận dụng chiến lược xúc tiến thương mại như một công cụ để thu hút người mua lựa chọn sản phẩm của bạn thay vì lựa chọn các sản phẩm khác tương tự nhưng đắt tiền hơn.
Một ví dụ điển hình, năm 2007 để kỷ niệm 75 năm thành lập, bia Tiger đã đưa ra chương trình khuyến mãi “Bật nắp Tiger trúng vàng”. Tiger đã rất thành công khi khẳng định đẳng cấp thương hiệu và tạo được tiếng vang cho mình, doanh số bán hàng trong thời gian khuyến mãi cũng tăng đột biến. Thực tế, không phải chương trình khuyến mãi nào cũng thành công như mong muốn nếu không có mục tiêu rõ ràng, không biết cách thiết lập khuyến mãi để kích thích sự tăng trưởng tiêu dùng.
3. Quảng cáo trên các tạp chí và các website thương mại
Quảng cáo in ấn hay trực tuyến đều mang lại hiệu quả trong quá trình thiết lập nhận dạng thương hiệu. Thương hiệu càng được nhận diện dễ dàng trong tâm trí người tiêu dùng thì sản phẩm lại càng có nhiều cơ hội trên thị trường. Hãy chắc chắn rằng thương hiệu của doanh nghiệp luôn được thể hiện một cách tích cực và làm theo các xu hướng tiếp thị để phục vụ chính xác cho người tiêu dùng khi nhu cầu của họ phát triển theo thời gian.
Chẳng hạn như, chương trình quảng cáo sáng tạo của Coca-Cola: Biến chai rỗng thành súng nước, bình xịt là một phần trong chiến dịch phát triển bền vững được phát động trên toàn cầu “2ndLives” (Cuộc sống thứ hai). Trong đó là hình ảnh 16 vỏ chai xếp thành hàng, mỗi vỏ chai lại có một chiếc nắp đặc biệt để biến thành những vật dụng thú vị và hữu dụng như bình sơn, súng nước hay gọt bút chì. Chỉ cần thay đổi những chiếc nắp chai, vỏ chai Coca-Cola đã được tái chế thành những vật dụng quen thuộc và rất thực tế với đời sống người dân Việt Nam. Kết hợp với hình ảnh sinh hoạt hàng ngày là nhạc nền “Reo vang bình minh” mang đến cảm giác thân thuộc, gần gũi với người xem. Đây là một chiến dịch quảng cáo đầy ý nghĩ khi biến vỏ Coca-Cola thành những vật dụng hữu ích và thân thiện.
4. Digital Trade Marketing – Tiếp thị công nghệ số
Ngày nay, các thương hiệu chủ yếu tập trung vào các kênh quảng cáo online giúp xây dựng thương hiệu cảm xúc lay động tâm trí người dùng và đi theo hành trình cảm nhận của khách hàng. Còn hình thức Trade marketing truyền thống lại nắm bắt được khoảnh khắc của khách hàng ngay tại thời điểm quyết định mua hàng. Nhìn vào mối tương quan của hai yếu tố ta thấy được phần nào của sự kết hợp giữa yếu tố thương hiệu và nhà bán lẻ vào công nghệ số để giúp tăng nhận diện thương hiệu, tăng trưởng doanh thu và phát triển bền vững.
Nhiều chiến lược Digital Trade marketing được thực hiện trực tuyến, giữ liên lạc với khách hàng tiềm năng thông qua truyền thông xã hội, email và tiếp thị nội dung. Các doanh nghiệp cần tìm được sự cân bằng giữa tính dễ dàng và hiệu quả mà chiến lược Digital Trade marketing mang lại để tạo sự liên kết, tiếp xúc thường xuyên với khách hàng và đối tượng mục tiêu.
Hải Vân
Nguồn: quantriphanphoi