Cửa hàng tiện lợi ở Đông Nam Á tăng cường bán thực phẩm tươi để hút khách
Các cửa hàng tiện lợi trên khắp Đông Nam Á đang mở rộng thêm các dịch vụ thực phẩm tươi sống để thu hút khách hàng.
Việc tập trung vào thực phẩm tươi sống cũng đang giúp các cửa hàng tiện lợi thu hút thêm khách hàng từ các hàng ăn truyền thống và tăng doanh số. Theo Nikkei Asian Review, động thái này đang được đền đáp xứng đáng tại một số thị trường có sức cạnh tranh lớn nhất. Ngoài ra, việc phát triển thực phẩm cũng giúp các cửa hàng tiện lợi giảm mối nguy cạnh tranh từ sự nổi lên của thương mại điện tử.
Theo nghiên cứu của Nielsen, doanh số từ hàng tiêu dùng nhanh (bao gồm thực phẩm tươi sống) tại các cửa hàng tiện lợi ở Đông Nam Á tăng trưởng kỷ lục 8% trong năm 2018. Tổng số cửa hàng tiện lợi năm 2018 là 74.000, tăng 10% so với năm trước.
Sự tăng trưởng doanh số mạnh mẽ cũng là nhờ việc mở rộng danh mục thực phẩm nhắm đến những khách hàng, những người mua hàng với khối lượng ít nhưng lại thường xuyên, cũng như đa dạng hóa các mặt hàng chăm sóc cá nhân. Thực phẩm bây giờ rất quan trọng đối với các cửa hàng tiện lợi đến nỗi nhiều người trong số họ hiện đang là “đối thủ của một số chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh lớn”, theo giám đốc điều hành của Nielsen, Vaughan Ryan.
Sự tập trung vào thực phẩm đặc biệt mạnh mẽ ở Malaysia, nơi các cửa hàng tiện lợi ghi nhận mức tăng trưởng 17% trong doanh số FMCG, cao nhất trong khu vực. Các công ty địa phương và Nhật Bản là những người đã tạo nên xu hướng này.
Mynews Holdings hiện đang điều hành khoảng 480 cửa hàng tiện lợi Mynews.com tại Malaysia. Chuỗi này đã cố gắng tăng doanh số bán hàng thực phẩm tươi sống. Tại một số cửa hàng của mình như khu thương mại Plaza Sentral, quầy thu ngân trông giống như một chiếc bánh sandwich với salad và đồ ăn nhẹ chiên nóng.
Tháng 10 năm ngoái, công ty đã giới thiệu khái niệm Maru Kafe, phục vụ cà phê và đồ ăn. “Hãy tưởng tượng sự tiện lợi của việc có thể thưởng thức một tách cà phê và bữa sáng, bữa trưa và bữa tối từ một cửa hàng tiện lợi gần bạn,” Dang nói.
Giống như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, Malaysia có văn hóa ăn uống hàng ngày tại các quầy hàng thực phẩm truyền thống. Nhưng khi dân số ngày càng đô thị hóa và thu nhập của họ tăng lên, “điều quan trọng là mọi người cảm thấy như họ có thể tìm thấy một lối sống mới [thông qua các dịch vụ và sản phẩm]”, Eigo Ogiwara, giám đốc điều hành tại Boston Consulting Group cho biết. Theo Ogiwara, một số cửa hàng tiện lợi đã cho thấy họ có thể thu hút người tiêu dùng muốn các sản phẩm tươi, ngon và tốt cho sức khỏe.
Các công ty Nhật Bản đã đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường thực phẩm ăn liền, ông nói thêm. “Họ có rất nhiều bí quyết trong việc làm cho thực phẩm trông ngon miệng” thông qua các quy trình sản xuất và hậu cần, ông nói.
Động thái của Mynews được cho là lấy cảm hứng từ sự gia nhập của chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản Family Mart vào cuối năm 2016. Để phân biệt với đối thủ 7-Eleven, Family Mart tập trung vào thực phẩm tươi thay vì hàng hóa nói chung. Sản phẩm soup cá đã trở thành một sản phẩm nổi bật với hơn 1.000 đơn hàng mỗi ngày. Kem của chuỗi này cũng rất phổ biến, với hàng trăm phần được bán mỗi ngày, tại mỗi cửa hàng.
Thực phẩm ăn liền và thức ăn nhanh chiếm một nửa doanh số của Family Mart tại Malaysia và là động lực thúc đẩy họ mở 100 cửa hàng trong khoảng hai năm. Thậm chí họ đã mở một cửa hàng chỉ bán thực phẩm tươi sống và đồ ăn nhẹ trong một trung tâm mua sắm, và đang lên kế hoạch tăng số lượng các cửa hàng như vậy.
Đối với Family Mart, thực phẩm tươi sống có khả năng sinh lợi hơn so với hàng hóa thông thường bởi vì các cửa hàng có thể tăng giá sản phẩm. Ví dụ như oden (món bánh cá hầm), được bán với giá khoảng 3 ringgit và không có sản phẩm tương tự, vì vậy chúng tôi có thể tự đặt giá cho mình, Taro Kosaki, giám đốc bộ phận kinh doanh quốc tế của Family Mart cho biết.
Sau thành công ở Malaysia, Family Mart đang cố gắng tăng dòng sản phẩm thực phẩm tươi sống ở các thành phố Đông Nam Á khác, bao gồm cả ở Việt Nam. Kosaki nói rằng nhu cầu về thực phẩm tại cửa hàng tiện lợi sẽ tăng lên ở hầu hết các quốc gia vì “mọi người trở nên giàu có hơn và có thể trả tiền cho sự tiện lợi”. Các cửa hàng tiện lợi có thể lấp đầy chỗ trống còn lại khi số lượng quầy hàng thực phẩm truyền thống giảm vì những lý do khác, chẳng hạn như mối quan tâm lớn hơn về các vấn đề vệ sinh, ông nói thêm.
7-Eleven cũng đang tăng cường doanh số bán hàng trên khắp Đông Nam Á, theo phát ngôn viên của công ty cổ phần Seven & i Holdings. Hiện 7-Eleven có hơn 16.000 cửa hàng trên năm thị trường Đông Nam Á.
Cũng theo phát ngôn viên của 7-Eleven, 7-Eleven đã rất thành công với nhiều loại thực phẩm từ bữa trưa đóng gói đến súp nóng. Vì vậy họ đang lên kế hoạch đưa các đội nghiên cứu thị trường tới Việt Nam và Singapore để phát triển sản phẩm ở 2 thị trường này.
Cửa hàng tiện lợi là kênh bán lẻ phát triển nhanh nhất trong khu vực. Sự thống trị của kênh bán lẻ này trong FMCG đặc biệt mạnh mẽ. Ryan của Nielsen cho biết, ngoài Singapore, thương mại điện tử chỉ chiếm 1% doanh số FMCG ở Đông Nam Á.
Các cửa hàng tiện lợi thường ở khu vực thành phố và có lợi thế hơn so với thương mại điện tử khi đáp ứng nhu cầu ngay lập tức. Đặc biệt ở các thành phố thường xuyên gặp các vấn đề giao thông như Bangkok, Manila và Jakarta.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thương mại điện tử không phải là mối đe dọa đối với FMCG.
“Khi thương mại điện tử phát triển, các cửa hàng vật lý nói chung và cửa hàng tiện lợi sẽ cần phải thích nghi “, Nick Miles, Giám đốc Institute of Grocery Distribution tại Châu Á Thái Bình Dương cho biết.
Một số cửa hàng tiện lợi đã hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử thay vì cạnh tranh với họ.
Theo Kosaki, tại Việt Nam, 7-Eleven đã hợp tác với GrabBike để giao hàng tận nhà. Trong khi đó, Family Mart đang cố gắng hợp tác với các đối tác giao hàng địa phương ở Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
Hà Linh
Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư