Viettel Post có lợi thế gì khi “tiến quân” sang lĩnh vực thương mại điện tử, gọi xe của Lazada, Shopee, Grab?
Mặc dù được đánh giá là những lĩnh vực giàu tiềm năng tăng trưởng, nhưng Viettel Post sẽ gặp phải khá nhiều đối thủ cạnh tranh lớn trong lĩnh vực gọi xe (Grab, Go-Viet, Be,…) hay TMĐT (Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Adayroi…). Do đó, Viettel Post có thể thành công trong những lĩnh vực công nghệ mới hay không vẫn còn là dấu hỏi.
Mới đây, Viettel Post (Mã CK: VTP) đã công bố tham vọng bước chân vào 2 lĩnh vực đang phát triển nóng ở Việt Nam bao gồm thương mại điện tử và gọi xe công nghệ với việc tung ra 2 ứng dụng My Go (gọi xe) và Vỏ Sò (TMĐT).
Dưới đây là đánh giá của CTCK VNDIRECT về cơ hội của Viettel Post khi mở rộng kinh doanh từ giao nhận ra TMĐT, gọi xe.
Lợi thế từ hệ thống giao hàng và hệ sinh thái: Điểm tựa của Viettel trong lĩnh vực TMĐT
Thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Theo báo cáo của Google-Temasek năm 2018 thì TMĐT Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kép 35% trong giai đoạn 2015-18 và có giá trị 2,8 tỉ USD. Thị trường được dự báo tiếp tục bùng nổ trong giai đoạn 2018-25, với tốc độ tăng trưởng kép 27% nhờ sự phổ biến của internet và điện thoại thông minh cùng với thế hệ người tiêu dùng mới am hiểu công nghệ hơn.
Trong lĩnh vực TMĐT, có 2 tiêu chí quan trọng để quyết định khả năng thành công của doanh nghiệp là (1) kiểm soát được khâu giao nhận và (2) khả năng “đốt tiền”, chịu lỗ của doanh nghiệp. Trong đó, việc liên tục chịu lỗ là một rào cản lớn cho những người chơi mới muốn gia nhập thị trường nhiều tiềm năng nhưng đầy khốc liệt này. VNDIRECT ước tính một doanh nghiệp sẽ phải chịu khoản lỗ khoảng 142 tỷ đồng mỗi năm nếu muốn giành được 1% thị phần từ các đối thủ hiện hữu ở Việt Nam.
Để cạnh tranh trong lĩnh vực “đốt tiền” này, Viettel Post sẽ có những “vũ khí” riêng cho cuộc đua khốc liệt.
Thứ nhất, Viettet Post có lợi thế cạnh tranh từ mạng lưới chuyển phát toàn quốc mà doanh nghiệp này đã đầu tư rất mạnh vào cả công nghệ lẫn hệ thống logistic. Viettel Post là đơn vị chuyển phát đứng thứ 2 tại Việt Nam với hệ thống logistic rộng khắp, vượt trội so với các startup như GHN Express hoặc Giaohangtietkiem.
Thêm vào đó, Viettel Post cũng đã tích hợp những công nghệ mới nhất vào hệ thống của mình để rút ngắn thời gian chuyển phát đồng thời tạo ra sự thuận tiện cho khách hàng. Hệ thống chia chọn tự động đã được áp dụng tại trung tâm phân phối Hà Nội giúp cắt giảm thời gian và nhân lực so với hệ thống truyền thống.
Thứ 2, Viettel Post có thể mạnh trong việc tích hợp các dịch vụ khác trong hệ sinh thái Viettel. Viettel Post thu hút người bán mở gian hàng trên nền tảng Vỏ Sò với cơ hội giới thiệu sản phẩm tới tập khách hàng tiềm năng khổng lồ gồm 60 triệu khách hàng sẵn có của Viettel. Thêm vào đó, Viettel Post có thể tích hợp ứng dụng ví điện tử Viettel Pay của Viettel Telecom vào trong nền tảng Vỏ Sò, cho phép khách hàng có thêm lựa chọn thanh toán điện tử hoặc thậm chí cung cấp khoản vay cho khách hàng bằng ứng dụng này.
Cuối cùng, Viettel Post có thể nhận được sự tin tưởng của khách hàng nhờ vào sức mạnh thương hiệu. Vấn đề lớn nhất của một sàn TMĐT ở Việt Nam là sự thiếu tin tưởng của khách hàng. Đặc điểm này ngăn cản người dùng thực hiện các giao dịch trực tuyến do sự không chắc chắn về chất lượng hàng hóa, bí mật thông tin cá nhân và sai sót vận chuyển.
Gọi xe, giao hàng công nghệ: Lợi thế thị trường tỉnh và ship COD
Thị trường ứng dụng gọi xe ở Việt Nam phát triển rất nhanh trong giai đoạn 2014-18 với tốc độ tăng trưởng kép ấn tượng 36%. Giá trị thị trường này ước tính đạt 500 triệu USD vào năm 2018 (chỉ tính vận chuyển hành khách và gọi đồ ăn) và ước tính sẽ đạt quy mô 2 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng kép trong giai đoạn 2018-25 là 22%.
Grab hiện là ứng dụng thống trị thị trường, nắm thị phần khoảng 92% sau khi sáp nhập Uber năm 2018. Dù vậy, việc Uber rời Việt Nam mở ra cơ hội cho những startup khác tham gia vào thị trường như Go-Viet, Be…
Các nhà phát triển ứng dụng gọi xe đang mở rộng hoạt động tới lĩnh vực dịch vụ tài chính online và thậm chí là chuyển phát nhanh. Go-Jek và Grab đã tích hợp các giải pháp thanh toán điện tử vào trong ứng dụng của mình với tên gọi là GoPay và GrabPay. Người dùng ưa chuộng tính năng này vì sự tiện dụng và và nhiều lợi ích nhờ các chương trình ưu đãi, giảm giá và thưởng.
Trên tất cả, những doanh nghiệp này tuyên bố sẽ cung cấp nhiều dịch vụ tài chính online bao gồm chuyển tiền, cho vay cá nhân, các sản phẩm đầu tư và cả dịch vụ bảo hiểm. Grab thậm chí tuyên bố tham vọng lấn sân sang lĩnh vực chuyển phát nhanh truyền thống khi mới đây đã đầu tư vào một doanh nghiệp startup đang hoạt động ở Việt Nam là NinjaVan, đồng nghĩa với việc sẽ cạnh tranh trực tiếp với Viettel Post.
VNDIRECT đánh giá My Go sẽ có định hướng khác biệt so với các đối thủ còn lại. Đầu tiên, My Go sẽ trở thành một thách thức trong mảng chuyển phát nhanh. My Go có thể cung cấp được dịch vụ giao hàng thu tiền (COD) do Viettel Post đã có nhiều năm kinh nghiệm với dịch vụ này. Trong khi đó, Grab, Go-Việt chưa cung ứng được do thiếu tin tưởng giữa các chủ cửa hàng và lái xe.
Kế đến, Viettel Post đã có sự tin tưởng của hơn 60 triệu khách hàng của Viettel Telecom. Đặc điểm này tạo ra vị thế khác biệt của Viettel Post khi tiếp cận khách hàng.
Cuối cùng, VNDIRECT cho rằng My Go sẽ tập trung vào mảng gọi xe hai bánh và sẽ chưa tập trung vào mảng gọi xe ô tô. Do đó, My Go có thể sẽ chưa phải là mối đe dọa với Grab trong tương lai gần. Ngoài ra, My Go có thể tập trung khai thác khoảng trống trong chuỗi vận chuyển giao nhận và nhu cầu gọi xe ở những thành phố nhỏ hơn, nơi mà Grab chưa đẩy mạnh kinh doanh.
Trí Thức Trẻ