Vì sao Saigon Co.op mua Auchan?
Nhận chuyển nhượng 15 cửa hàng của Auchan tại Việt Nam sẽ giúp Saigon Co.op sớm cán đích mục tiêu 1.000 điểm bán.
Sau nửa tháng thương thảo, khuya 27/6, Saigon Co.op và nhà bán lẻ Pháp Auchan đã đạt thoả thuận chuyển giao tất cả hoạt động bán lẻ của Auchan tại thị trường Việt Nam. Theo đó, Saigon Co.op sẽ nhận chuyển giao 15 cửa hàng (trong đó có 3 cửa hàng đang hoạt động) cùng các hoạt động thương mại điện tử, nền tảng online của Auchan Việt Nam. Toàn bộ hệ thống, nhân sự, hàng hóa của Auchan tại Việt Nam sẽ được Saigon Co.op quản lý.
Trao đổi với VnExpress, ông Diệp Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op cho biết, mục đích mua lại Auchan nằm trong chiến lược mở rộng hệ thống và thị phần. Sau khi chuyển nhượng, mục tiêu đạt 1.000 điểm bán trong năm nay của Saigon Co.op “cán đích” nhanh hơn. Hiện công ty đã có gần 800 điểm bán.
“Auchan đang sở hữu những vị trí đắc địa với nhiều diện tích khác nhau cùng hơn 200.000 khách hàng thành viên. Mỗi diện tích và vị trí khác nhau, công ty sẽ thay đổi bằng mô hình hệ thống siêu thị, cửa hàng tương ứng của Saigon Co.op” ông Dũng nói và cho biết, riêng với 3 siêu thị đang hoạt động, công ty sẽ duy trì thương hiệu Auchan cho đến hết tháng 2/2020.
Theo Saigon Co.op, ngoài chuyển nhượng 15 cửa hàng trên, còn mở ra cơ hội hợp tác giữa hai bên. Cụ thể, cả hai đang bàn bạc xuất khẩu sản phẩm Saigon Co.op thông qua kênh của Auchan trên toàn thế giới. Đặc biệt, nông thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội xuất sang Nhật, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ thông qua sự hỗ trợ của Auchan.
Hiện, chuỗi siêu thị của tập đoàn này đa phần nằm trong chung cư với quy mô nhỏ và vừa phù hợp cho Saigon Co.op chuyển nhượng sang các hệ thống tương ứng.
Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Thế Giới Di Động, kiêm điều hành chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh nhìn nhận, việc Saigon Co.op mua lại Auchan là thương vụ chuyển nhượng tốt. Bởi lẽ, doanh nghiệp này đang vận hành khá tốt các mô hình giống với Auchan. Ông Doanh cũng cho rằng, lý do Saigon Co.op nhanh chóng mua lại hệ thống siêu thị của nhà bán lẻ Pháp vì các cửa hàng này nằm ở những vị trí đắc địa, được nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác muốn sở hữu.
Auchan Retail có mặt tại Việt Nam năm 2015, chọn cách bắt tay với các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn để hợp tác xây dựng siêu thị ngay chính chung cư của chủ đầu tư, nơi tập trung dân cư đông đúc, thu nhập tầm trung và ổn định. Cũng chính vì thấy tiềm năng lớn nên Auchan từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào thị trường bán lẻ Việt Nam.
Theo các chuyên gia, dù là tên tuổi lớn trên thế giới, có quy trình kinh doanh bài bản, Auchan chuyển mình chưa đúng với thị hiếu và “khẩu vị” của khách hàng Việt. Sản phẩm bán tại Auchan thiếu đa dạng trong khi giá cao hơn nhiều so với các hệ thống khác nên khó cạnh tranh. Sau nhiều lần thay đổi nhận diện thương hiệu từ S.Mart thành Simply rồi Auchan, thương hiệu này vẫn không cải thiện được doanh thu mà còn cuốn vào vòng xoáy thua lỗ.
CEO chuỗi siêu thị Pháp Auchan Retail cho biết trên Les Echos rằng mảng kinh doanh của họ tại Việt Nam đạt doanh thu 45 triệu euro (50,4 triệu USD) năm ngoái và vẫn thua lỗ.
Trước đó, vào năm 2016 Saigon Co.op cũng đã nộp hồ sơ muốn mua lại Big C của Tập đoàn Casino (Pháp) nhưng bất thành vì trả giá thấp hơn so với đại gia Thái Lan.
Thi Hà
Nguồn: VnExpress