Bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử: Offline đánh lên có thắng được online đánh xuống?
Mô hình O2O (Online to Offline) hiện nay đang rất thịnh hành trong ngành bán lẻ.
Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019, ông Nguyễn Lân Trung Anh – CEO Phoenix Holdings cho biết, bên cạnh một số công ty hoạt động 100% trên nền tảng công nghệ thì thị trường bán lẻ hiện nay đa phần vẫn đến từ các công ty truyền thống. Và đối các công ty đã rất thành công trong lĩnh vực bán lẻ truyền thống, cơ hội để họ tiếp tục đầu tư và R&D và phát triển sang mảng online chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Những công ty không đủ khả năng để đầu tư, bắt kịp với cơ hội rõ ràng sẽ dần dần mất thị phần vào tay các nền tảng điện tử hoặc các công ty sử dụng giải pháp O2O.
Với câu hỏi sẽ đặt vào “cửa” nào, offline đánh lên hay online đánh xuống, ông cho biết với con mắt của một nhà đầu tư, ông sẽ nhìn vào tiềm năng. Rủi ro cao thì lợi nhuận cũng sẽ cao hơn. Hiện nay ở Phoenix, các chuỗi bán lẻ cũng như các sản phẩm truyền thống là tài sản chính nên ông sẽ tập trung vào việc phát triển công nghệ để thúc đẩy tài sản đó, tức là đặt vào cửa “offline đánh lên”.
Ông Đỗ Trung Thông – Founder công ty Palexy cho rằng, mảng online có lợi thế ở chỗ, khi khách hàng truy cập vào trang web, chưa cần mua, chỉ cần xem sản phẩm thôi thì khi hành vi đó lặp lại thì dữ liệu về khách hàng đã được thu thập. Amazon là một ví dụ cho việc khai thác dữ liệu đó để làm tăng doanh thu.
Trong hai năm vừa rồi, các công ty online, các startup đã cải tiến rất mạnh việc khai thác dữ liệu này. Mặc dù trên thế giới, 80% vẫn là giao dịch offline nhưng ứng dụng công nghệ của các công ty truyền thống vẫn chậm hơn rất nhiều.
Ông Thông chia sẻ: “Quay lại góc nhìn là đầu tư vào online hay offline thì từ các ví dụ ở các thị trường như Trung, Nhật, Mỹ,…có vẻ như online đang được ưa chuộng hơn. Nhưng thực ra online hay offline chỉ là kênh phân phối. Cái cơ bản vẫn là sản xuất hàng hóa, thì các thị trường nói trên đều có nền sản xuất hàng hóa rất mạnh, sau đó mới phát triển kênh phân phối. Còn ở Việt Nam, thực ra không sản xuất nhiều hàng hóa được như vậy, nên góc nhìn sẽ khác”.
Thị trường bán lẻ ở Việt Nam sẽ đi từ offline cải tiến những cái đang có sang online, để có thể làm tốt hơn, hiểu khách hàng hơn. Họ vẫn sẽ sử dụng công thức thành công của online để đưa vào offline và không phải mất quá nhiều chi phí để thay đổi hành vi người tiêu dùng. Ví dụ như Grab, để thay đổi hành vi đi xe hay thanh toán của người tiêu dùng đã phải tốn hàng trăm triệu USD khuyến mãi trong thời gian rất ngắn.
Chủ tịch 24h Phạm Minh Tâm nói: “Các nhà bán lẻ truyền thống không chịu nhiều sức ép như các công ty hoạt động trên nền tảng số – một là sống hai là chết. Tiki hay Sendo.vn, Shopee hay Lazada luôn trong tâm thế một là chiến thắng, hai là rơi xuống vực, nên động lực của họ phải cao gấp hai mươi lần so với bán lẻ truyền thống.
Mặc dù các phân tích thì cho thấy các nhà bán lẻ phát triển sang online sẽ có nhiều lợi thế hơn nhưng họ đang có tâm lý “chưa thay đổi cũng chưa chết”, còn online thì không hoàn thành đúng thời hạn là có thể chết ngay rồi. Góc nhìn của hai bên là rất khác nhau nên có lẽ chúng ta sẽ phải chờ trong vài năm tới thì mới biết được bên nào thắng nhiều hơn”.