The Professionals #3: Xây dựng thương hiệu là gì? – Phần 1

Tháng Tư 22, 2019by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_Branding.jpg

Ai cũng xây dựng thương hiệu. Nhưng cụ thể thì xây dựng thương hiệu là gì?

Thử tưởng tượng bạn là một người nông dân, sở hữu 5 con bò. Chắc hẳn bạn có thể phân biệt chúng với nhau, có thể bằng một cái tên nào đó.

Và hàng xóm của bạn cũng có 5 con bò, tương tự vậy, họ cũng có thể phân biệt được 5 chú bò của mình bằng cách đặt tên.

Bây giờ, thử hình dung bạn có 30 con bò, ngôi làng bạn sống có tới 20 trang trại khác nhau, mỗi trang trại lại sở hữu hơn 30 con bò. Lúc này tôi không nghĩ bạn có thể lúc nào cũng phân biệt được chúng như lúc bạn có 5 con bò nữa.

Vậy nên, người ta cần một cách nào đó thực tế và tiện dụng hơn để đánh dấu những chú bò của mình, tránh lẫn lộn với trang trại khác, một cách đánh dấu liên quan đến chủ sở hữu hơn là chỉ cột chuông quanh cổ vật nuôi (bởi cái chuông có thể bị mất). Tương tự vậy, nhu cầu đánh dấu sở hữu không chỉ đối với mỗi loài bò mà còn với những vật nuôi khác.

Do đó, xuất hiện nhu cầu xây dựng thương hiệu.

Người ta nung nóng một miếng sắt với hình dáng đặc trưng và ịn lên lớp lông của vật nuôi, tạo ra những vết sẹo để đánh dấu. Mỗi chủ sở hữu sẽ chọn một hình dạng khác nhau để đánh dấu vật nuôi của mình. Ảnh: Ideia de Marketing.

Chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế thương mại và sản xuất, ngày càng nhiều công ty cùng nhảy vào một ngành hàng và cạnh tranh với nhau. Nhờ khả năng sản xuất hàng loạt cùng với việc giao thông phát triển, thương mại tại nhiều khu vực trên thế giới được kết nối với nhau. Sự lưu thông đó khiến người tiêu dùng bị choáng ngợp với các sản phẩm và dịch vụ vây quanh mình. Do vậy, nhu cầu tạo nên khác biệt với những đối thủ cũng rõ ràng hơn. Bởi đối với người bán hàng, không ai muốn khách chỉ mua một lần duy nhất, mà họ còn mong muốn khách hàng quay lại mua lần thứ hai, thứ ba… Nếu không xây dựng thương hiệu, làm sao người bán có thể biết được khách hàng chọn sản phẩm của họ chứ không phải đối thủ hay làm sao để biết khách hàng quay lại các điểm bán lẻ của họ.

Định nghĩa thương hiệu

Theo Hiệp hội Marketing của Hoa Kỳ, thương hiệu có thể là một cái tên, một cụm từ, một thiết kế, một biểu tượng hoặc một tính năng cụ thể để người tiêu dùng phân biệt sản phẩm hoặc công ty nào đó với đối thủ của họ. Đây là một khái niệm căn bản, ở cấp độ chuyên gia khái niệm sẽ phức tạp hơn một chút.

Định nghĩa thương hiệu yêu thích của tôi là định nghĩa của ông David J Carr trên trang medium.com: Thương hiệu là tập hợp các thuộc tính thương hiệu, cùng với việc tìm hiểu nhận thức có sẵn trong tâm trí của người tiêu dùng để thay đổi nhu cầu của họ”.

Đọc định nghĩa trên chắc bạn vẫn còn cảm thấy mơ hồ đúng không? Tôi sẽ giải thích ngay đây.

Trong mọi trường hợp, bạn không nên dùng sở thích cá nhân của mình để mô phỏng suy nghĩ của người tiêu dùng, nhất là khi bạn không dựa trên cơ sở nào.

Thay đổi nhu cầu

Nếu bạn là một sinh viên khối ngành kinh tế thì hãy thử nhớ lại trong lớp học, có lẽ bạn đã từng nghe qua khái niệm “Cầu (demand) là nhu cầu của những người có khả năng thanh toán cho nhu cầu đó”. Nhiều khi, người tiêu dùng có nhu cầu nhưng không có khả năng thanh toán, do vậy doanh nghiệp và thương hiệu không thể phục vụ. Bởi doanh nghiệp nào cũng cần có doanh thu để thanh toán cho nhà cung cấp và trả lương cho nhân viên.

Ngoài ra, để thương hiệu có thể “thay đổi” một nhu cầu nào đó thì người tiêu dùng cần có nhu cầu đó trước. Điều này chỉ ra một quan niệm sai lầm trong giới marketing rằng “Marketing tạo ra nhu cầu cho người tiêu dùng”. Thật sự không phải vậy, các hoạt động marketing hay xây dựng thương hiệu không làm được điều đó. Chúng ta không thể tạo ra điều gì từ hư vô được (kể cả thế giới pháp thuật trong 7 tập truyện Harry Potter). Chúng ta chỉ làm những gì mình có thể để người tiêu dùng nhận ra sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu là một lựa chọn phù hợp với họ hơn sản phẩm của thương hiệu khác và sẵn sàng chi tiền.

Tìm hiểu nhận thức có sẵn của người tiêu dùng

Đầu tiên, những nhận thức này tồn tại sẵn trong tâm trí người tiêu dùng. Do vậy, thấu hiểu người tiêu dùng và nắm được insight là điều vô cùng quan trọng với các marketer.

Ví dụ, đội ngũ marketing của một thương hiệu rau hữu cơ có thể biết rằng người tiêu dùng có xu hướng thích màu xanh lá cây trên logo và các ấn phẩm nhận diện thương hiệu. Nhưng liệu đội ngũ ấy có biết màu xanh nào mới là màu người mua hàng thích hay không?

Trong mọi trường hợp, bạn không nên dùng sở thích cá nhân của mình để mô phỏng suy nghĩ của người tiêu dùng, nhất là khi bạn không dựa trên cơ sở nào. Vậy làm sao để tránh hiện tượng này xảy ra?

Câu trả lời đơn giản thôi: Hãy nghiên cứu kỹ người tiêu dùng và hành vi của họ.

Thấu hiểu người tiêu dùng và nắm được insight là điều vô cùng quan trọng với các marketer. Ảnh: Search Engine Land.

Nhận thức có sẵn ý muốn ám chỉ một “đường tắt” trong suy nghĩ của người tiêu dùng, nghĩa là nhận thức này giúp người ta đưa ra phán đoán nhanh chóng mà không cần đầy đủ thông tin hoặc phải suy nghĩ quá nhiều.

Ví dụ như khi bạn cầm trên tay một lon Coca-Cola, bạn biết đó là một lon Coca-Cola dù bạn không thật sự nhìn cái lon một cách kĩ càng. Lý giải cho việc này đó là bởi bạn dùng hình ảnh mặc định trong đầu về lon Coca-Cola để đưa ra kết luận. Bạn nhìn thấy một cái lon màu đỏ và có họa tiết gần giống logo Coca-Cola, từ đó, não sẽ ghi nhận đó có thể là một lon Coca-Cola.

Thực tế, hầu hết người tiêu dùng không thể nhớ được từng chi tiết liên quan đến thương hiệu của bạn. Họ chỉ có thể nhớ một cách máy móc sản phẩm của bạn có vẻ như thế nào. Năm 2017, Signs.com đã thực hiện một cuộc thử nghiệm yêu cầu 150 người Mỹ nhớ lại và vẽ ra 10 logo của các công ty nổi tiếng. Kết quả khá thú vị. Bạn có thể theo dõi trong hình dưới đây.

Ảnh: Adweek.

Bạn cũng có thể thấy rằng người ta có thể nhớ nhưng khó có thể vẽ đúng logo thương hiệu.

Thương hiệu là tập hợp các thuộc tính thương hiệu

“Tập hợp các thuộc tính thương hiệu” ở đây muốn đề cập liên kết nhiều yếu tố ở đây muốn đề cập đến sự kết nối giữa người, vật, hình ảnh nào đó với nhau trong suy nghĩ của người tiêu dùng.

Mỗi người tiêu dùng hình dung hình ảnh thương hiệu theo cách riêng của mình như có người nhớ đến màu sắc, logo, lợi ích sản phẩm, hoặc cũng có một số người yêu mến thương hiệu bởi thiện cảm của họ với cách hoạt động của thương hiệu, một số khác lại nhớ đến một vài câu chuyện, một quảng cáo, bao bì của sản phẩm hoặc đơn thuần họ nhớ đến thương hiệu chỉ bởi bạn bè thích thương hiệu đó.

Làm thương hiệu là tạo ra sự liên tưởng giữa “những sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu” (giải pháp cho một vấn đề hoặc một công việc nào đó) và “tâm trí người tiêu dùng”. Bằng cách liên kết cả hai, người tiêu dùng sẽ lựa chọn thương hiệu “phù hợp”. Vậy nên, họ có thể bị ảnh hưởng bởi bối cảnh hoặc trải nghiệm trước đó.

Do vậy, các yếu tố của thương hiệu như logo, màu sắc, slogan, phong cách đồ họa, ngôn ngữ, câu chuyện thương hiệu… cần nhất quán và liên kết với nhau. Nếu không, người tiêu dùng khó có thể nhớ được sự kết nối đó.

Vậy chính xác thì xây dựng thương hiệu là gì?

Xây dựng thương hiệu là một quá trình liên tục, hướng đến củng cố tầm ảnh hưởng của thương hiệu tới những kết quả kinh doanh trong tương lai.

Việc xây dựng thương hiệu nếu đi sai hướng thì sẽ có xu hướng lụi tàn nhanh hơn cả những thương hiệu không làm gì.

Bằng việc hình dung đó là một quá trình liên tục, khái niệm này chỉ ra bản chất không bao giờ kết thúc của việc xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, cũng cần những thử nghiệm thực tế bởi không ai biết chính xác cách xây dựng thương hiệu đúng đắn. Và bởi thị trường cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, việc xây dựng thương hiệu cũng ngày càng gian nan hơn, không ai biết công thức để đạt thành công liên tiếp là gì. Chúng ta chỉ biết chắc rằng cần phải thử nghiệm nhiều cách khác nhau để xây dựng thương hiệu của mình. Nếu thương hiệu nào ngừng việc xây dựng thương hiệu lại thì có vẻ thương hiệu đó đang trên bờ vực sụp đổ.

Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu nếu đi sai hướng thì sẽ có xu hướng lụi tàn nhanh hơn cả những thương hiệu không làm gì.

Tôi nói vậy là bởi họ có xu hướng thêm quá nhiều thứ linh tinh vào hỗn hợp thuộc tính thương hiệu và tâm trí người tiêu dùng. Ai cũng có nhiều việc cần làm mỗi ngày, do vậy, không nên thêm vào danh sách những điều cần lưu tâm của họ một điều gì đó không thực sự liên quan đến thương hiệu. Người tiêu dùng bị rối bởi quá nhiều thứ đồng nghĩa với việc thương hiệu của bạn thực sự không để lại dấu ấn gì trong tâm trí của họ.

Vậy nên sử dụng quy trình nào cho phù hợp?

Nếu bạn muốn làm đúng và theo gợi ý từ sách vở thì đây là một gợi ý dành cho bạn. Mô hình xây dựng thương hiệu từ giáo sư Philip Kotler:

Tuy nhiên, trong thực tế, tôi khuyến khích bạn nên cẩn thận trong việc đánh giá tình trạng và bối cảnh. Không có mô hình nào đảm bảo thành công, tất cả các mô hình chỉ đóng vai trò giúp đỡ bạn trong quá trình tìm con đường đúng đắn mà thôi. Như George Box từng nói: “Tất cả các mô hình đều sai, nhưng sẽ có vài mô hình có ích”.

Diệu Uyên
Nguồn: Brands Vietnam

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button