Nhà đầu tư Thái Lan đã nhận 33.000 tỷ cổ tức từ doanh nghiệp Việt

Tháng Năm 14, 2025by VinhKhang0

Vinamilk, Sabeco, Nhựa Bình Minh, Bao bì Tân Biên và Sao Ta đã trả 33.000 tỷ đồng (khoảng 1,2 tỷ USD) cổ tức tiền mặt cho các nhà đầu tư Thái Lan.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa chốt quyền trả cổ tức năm 2024 trong tháng 5. Trong đó, hai doanh nghiệp này sẽ chi hàng nghìn tỷ đồng để trả cho các cổ đông đến từ Thái Lan.

Người Thái đã đầu tư, thâu tóm nhiều công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Theo thống kê của VnExpress, từ năm 2012, các công ty đến từ đất nước này đã nhận tổng cộng khoảng 33.000 tỷ đồng (khoảng 1,2 tỷ USD) cổ tức tiền mặt từ các doanh nghiệp Việt, gồm Vinamilk, Sabeco, Nhựa Bình Minh, Bao bì Tân Biên (Sovi) và Sao Ta.

Vinamilk, công ty có thị phần sữa lớn nhất Việt Nam, là doanh nghiệp đã trả nhiều cổ tức cho các cổ đông đến từ Thái Lan nhất, khoảng 16.100 tỷ đồng, lũy kế từ năm 2013. F&N Dairy Investments và F&N Bev Manufacturing – hai đơn vị thành viên của tập đoàn đồ uống Fraser & Neave đang sở hữu khoảng 20,4% vốn Vinamilk đã nhận toàn bộ số tiền trên.

Fraser & Neave được TCC Holdings – công ty thuộc hệ sinh thái kinh doanh của tỷ phú người Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi – mua lại vào năm 2013 với số tiền khoảng 11 tỷ USD. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự xuất hiện của các cổ đông Thái tại Vinamilk.

Năm 2024, Vinamilk đã chốt quyền trả cổ tức tỷ lệ 43,5% bằng tiền. Như vậy, Fraser & Neave sẽ nhận về khoảng 1.853 tỷ đồng trong năm nay. Không chỉ dừng lại ở việc sở hữu hơn 20% vốn Vinamilk, trong những năm qua nhóm cổ đông Thái Lan này nhiều lần đăng ký mua thêm hàng chục triệu cổ phiếu VNM. Tuy nhiên, các giao dịch này đều không thực hiện được do điều kiện thị trường không thuận lợi.

Ông Charoen Sirivadhanabhakdi là người giàu thứ ba tại Thái Lan với khối tài sản khoảng 11,6 tỷ USD, theo Forbes. Ông đầu tư chính vào mảng sản xuất, phân phối đồ uống và bất động sản. Thương hiệu bia Chang nổi tiếng tại Thái Lan thuộc sở hữu của tỷ phú này.

Không chỉ nắm giữ 20% vốn của Vinamilk, người giàu thứ ba Thái Lan còn nắm quyền chi phí phối tại Sabeco. Năm 2017, ThaiBev – công ty thuộc sở hữu của ông Charoen Sirivadhanabhakdi đã chi 4,8 tỷ USD (khoảng 110.000 tỷ đồng ở thời điểm đó) để mua lại 53,6% vốn của Sabeco từ Bộ Công Thương.

Sau 8 năm đầu tư, ThaiBev đã nhận về hơn 14.000 tỷ đồng cổ tức từ một trong những doanh nghiệp sản xuất bia lớn nhất Việt Nam. Trong đó, năm 2024, công ty Thái Lan nhận về nhiều nhất với 3.436 tỷ đồng.

Ngoài Vinamilk và Sabeco, ông Charoen Sirivadhanabhakdi còn thông qua TCC Holdings còn từng chi 704 triệu USD để mua lại chuỗi siêu thị Metro tại Việt Nam – sau này đổi tên Mega Market.

Hồi tháng 9/2022, trong một cuộc họp báo tại Thái Lan, ông Thapana Sirivadhanabhakdi, Tổng giám đốc ThaiBev chia sẻ Sabeco là “viên ngọc quý”, một tài sản hiếm có trong số các nhà sản xuất bia ở khu vực. Thaibev đầu tư vào Sabeco với tầm nhìn dài hạn, cùng tham vọng chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam qua đó tạo bàn đạp hướng đến khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, khoản đầu tư có tỷ suất lợi nhuận lớn nhất của người Thái tại Việt Nam là thương vụ Nhựa Bình Minh. Nawaplastic – thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) – đã nắm quyền chi phối Nhựa Bình Minh vào năm 2018 khi mua lại 24,2 triệu cổ phiếu BMP từ SCIC. Trước đó, công ty con của SCG trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp nhựa lớn nhất trên sàn chứng khoán từ năm 2012.

Ước tính, Nawaplastic đã chi ra tổng cộng khoảng 2.750 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phần BMP như hiện nay. Tuy nhiên, kể từ năm 2012 đến nay, công ty Thái Lan này đã nhận về tổng cộng hơn 2.500 tỷ đồng cổ tức từ Nhựa Bình Minh. Ngoài ra, số cổ phiếu BMP do công ty con của SCG sở hữu có giá trị thị trường khoảng 7.200 tỷ đồng, gấp 3 lần số vốn bỏ ra ban đầu.

SCG là tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực xi măng và vật liệu xây dựng, sản xuất bao bì, sản xuất các sản phẩm hóa dầu. Tập đoàn này nắm quyền chi phối loạt công ty tại Việt Nam như Bao bì Tân Biên, Bao Bì Tín Thành, Nhựa Duy Tân…

Ngoài ra, công ty này còn là chủ đầu tư dự án tổ hợp hoá dầu tại xã Long Sơn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhà máy có tổng vốn khoảng hơn 5 tỷ USD; công suất thiết kế là 1,4 triệu tấn sản phẩm hóa dầu.

Không chỉ “ưa thích” ngành sản xuất tại Việt Nam, các nhà đầu tư còn tìm kiếm cơ hội ở các mảng khác như tài chính hay bán lẻ. Ví dụ, ở mảng bán lẻ, tập đoàn hàng đầu Thái lan là Central Retail đang sở hữu nhiều thương hiệu như GO! (Big C), Nguyễn Kim… Còn ở mảng tài chính, The Siam Commercial Bank Public Company (SCB) – ngân hàng lớn thứ tư Thái Lan – mua lại Home Credit Việt Nam hay Krungsri mua lại SHBFinance từ SHB.

“Thái Lan là quốc gia có đóng góp rất lớn cho câu chuyện FDI của Việt Nam”, ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc Toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp HSBC Việt Nam nhận định. Theo một khảo sát của HSBC vào năm 2024, 66% doanh nghiệp Thái Lan được hỏi muốn đầu tư vào Việt Nam để mở rộng kinh doanh. Đất nước này cũng nằm trong top 3 các doanh nghiệp tự tin về khả năng phát triển kinh doanh tại Việt Nam, ở mức 93%, đứng sau doanh nghiệp sở tại (98%) và Singapore (94%).

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế từ năm 1988 đến cuối quý I năm nay, Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 13 vào Việt Nam, với số tiền đã chi là hơn 14,7 tỷ USD. Trong đó, nhà đầu tư Thái chủ yếu đầu tư vào công nghiệp chế biến – chế tạo, chiếm 74% tổng số vốn đầu tư.

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button