Đề xuất ưu tiên mở rộng loại đất làm nhà ở bình dân
HoREA đề nghị ưu tiên thí điểm mở rộng đất làm dự án nhà thương mại với chủ đầu tư làm phân khúc bình dân để thị trường phát triển cân bằng.
Theo Luật Nhà ở 2014, từ 1/7/2015, nhà đầu tư được làm dự án nhà ở thương mại khi có quyền sử dụng với đất ở. Cơ chế này, theo Chính phủ, làm bó hẹp các trường hợp thực hiện dự án nhà ở thương mại dưới quy mô khu đô thị, nhất là tại các khu vực mới, chưa có đất ở.
Do đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết, trong đó cho thí điểm trong 5 năm việc nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải đất ở, đất khác trong cùng thửa để làm dự án nhà ở thương mại.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) góp ý ưu tiên thí điểm với doanh nghiệp nhận chuyển quyền sử dụng hoặc đang có quỹ đất để làm dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền, phù hợp tình hình kinh tế của địa phương.
Việc này theo ông sẽ thúc đẩy cấu trúc lại sản phẩm nhà ở đang lệch pha về phân khúc cao cấp, giúp thị trường phát triển an toàn, bền vững.
Tại phiên thảo luận quốc hội tuần trước, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn khi thí điểm mở rộng đất làm dự án nhà ở thương mại trong khi không ít nơi xây xong không ai ở, còn phát triển nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền người dân vẫn gặp khó. Theo họ, nhà ở xã hội, nhà giá bình dân là phân khúc có nhu cầu thực của người dân tại nhiều địa phương.
Cũng theo dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, dự án được chọn thí điểm phải được thực hiện tại khu vực đô thị, không thuộc công trình phải thu hồi. Dự án thí điểm cần có tối đa 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch (so với hiện trạng sử dụng đất) theo phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai của quy hoạch tỉnh đến 2030.
Chủ tịch HoREA cho biết tiêu chí trên sẽ giúp hạn chế tình trạng nhà đầu tư lợi dụng nghị quyết thí điểm để “mua gom” đất nông nghiệp tràn lan hoặc lấy đất trồng lúa làm dự án nhà ở thương mại. Bởi Luật Đất đai 2024 quy định chặt chẽ về quy hoạch đất trồng, cơ chế bảo vệ đất lúa, nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Việc thí điểm này là bước tháo gỡ khó khăn về nguồn cung của các dự án bất động sản trong bối cảnh giá tăng cao do một phần nguyên nhân từ khó khăn tiếp cận đất đai.
Danh mục khu đất được chọn thí điểm mở rộng loại đất chuyển đổi sẽ do UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp phê duyệt. Ngoài đề xuất từ cấp có thẩm quyền, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị bổ sung thêm tiêu chí nhà đầu tư được đề xuất bổ sung khu đất vào danh mục này.
Thời gian qua, nhiều huyện ven Hà Nội nóng về đấu giá đất với giá trúng lên tới 100 triệu đồng một m2, như tại Thanh Oai, Hoài Đức. Các mức giá này gấp vài lần tới chục lần giá khởi điểm. Gần đây các phiên đấu giá ở huyện ven giảm nhiệt sau các động thái siết lại từ cơ quan quản lý, song giá trúng vẫn ở mức cao 55-75 triệu đồng một m2.
Dự kiến Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết này vào ngày 30/11
Nguồn: VnExpress