Thị trường trái phiếu doanh nghiệp “khổ tận cam lai”

Tháng Mười 5, 2024by VinhKhang0

Giai đoạn khó khăn nhất của đợt khủng hoảng thanh khoản đã qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã chuyển sang một giai đoạn phát triển mới được đánh dấu bởi các quy định chặt chẽ hơn và tâm lý thị trường dần được cải thiện.

Tâm lý thị trường tích cực hơn

Kể từ sau giai đoạn khủng hoảng về thanh khoản và chậm trả gốc/lãi tăng mạnh từ tháng 9/2022 – 6/2023, tâm lý thị trường đã tích cực hơn, chủ yếu nhờ nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm tạo điều kiện pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp phát hành.

Từ tháng 3/2023, hơn 200 trái phiếu đã thực hiện kéo dài ngày đáo hạn, phần lớn gia hạn thêm khoảng 22 tháng, sau khi đạt được thỏa thuận với nhà đầu tư theo Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Nhiều tổ chức phát hành có mức vay nợ cao và sức khỏe tài chính yếu, gồm cả những doanh nghiệp mới thành lập mà không có hoạt động kinh doanh cốt lõi, dòng tiền kinh doanh hạn chế, và liên quan đến các dự án bất động sản, đã tránh được tình trạng chậm trả nhờ Nghị định này.

Hình 1: Trái phiếu chậm trả phát sinh mới đã giảm; đợt tái cấu trúc thành công gia tăng

Theo Công ty cổ phần xếp hạng tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), hoạt động đàm phán gia hạn nợ đã diễn ra tích cực hơn sau Nghị định số 08/2023/NĐ-CP và giúp một số tổ chức phát hành tránh được nguy cơ chậm trả. Khoảng 80 trái phiếu đã gia hạn khi chỉ còn 1 tháng trước ngày đáo hạn, phần lớn là trái phiếu của các doanh nghiệp mới thành lập mà không có hoạt động kinh doanh cốt lõi, dòng tiền kinh doanh hạn chế và liên quan đến các dự án bất động sản. Một dấu hiệu tích cực khác là nhiều tổ chức phát hành chậm trả đã hoàn trả một phần gốc và lãi cho trái chủ.

Với tỷ lệ chậm trả trái phiếu giảm và tỷ lệ thu hồi chậm trả đang tăng lên, các tổ chức phát hành và nhà đầu tư đã lạc quan hơn và đang chủ động thích ứng với yêu cầu phát hành chặt chẽ hơn. Trong 8 tháng đầu năm 2024, lượng phát hành mới đã tăng gấp đôi lên 298 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, dẫn đầu bởi khối ngân hàng và bất động sản. Hoạt động giao dịch trên thị trường thứ cấp cũng sôi động hơn kể từ khi sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ được triển khai vào tháng 7/2023. Mức chênh lệch lợi suất giao dịch của các trái phiếu của tổ chức phát hành có chất lượng tín dụng “Trung bình” so với trái phiếu chính phủ trong năm 2024 đã giảm hơn 200 điểm cơ bản so với giai đoạn từ quý IV/2022 đến quý II/2023.

Các điểm nghẽn chính cần được giải quyết

Theo quan điểm của VIS Rating, hành vi của thị trường đã có sự căn chỉnh theo hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, các giao dịch trái phiếu gần đây vẫn cho thấy thị trường còn thiếu nhận thức đầy đủ về rủi ro và cơ cấu nhà đầu tư chưa đủ đa dạng để duy trì hoạt động TPDN qua giai đoạn biến động.

Hầu hết các trái phiếu được phát hành và giao dịch trên thị trường thứ cấp đều là các trái phiếu phát hành riêng lẻ, hoặc do các doanh nghiệp mới thành lập và không có hoạt động kinh doanh cốt lõi phát hành, và do đó có rất ít thông tin công khai để nhà đầu tư có thể theo dõi và phân tích rủi ro.

Gần 50% các trường hợp chậm trả trái phiếu trong giai đoạn 2022 – 2023 đến từ các doanh nghiệp mới thành lập, tình hình tài chính yếu, nhưng vẫn phát hành được với mức lãi suất hấp dẫn trong giai đoạn trước. Hiện nay, nhiều trái phiếu từ nhóm các doanh nghiệp này vẫn đang được giao dịch trên thị trường thứ cấp với mức lợi suất không chênh lệch nhiều so với các trái phiếu của các công ty có tình hình tài chính lành mạnh hơn.

Theo VIS Rating, so với các thị trường TPDN phát triển hơn trong khu vực, Việt Nam đang thiếu sự hiện diện các nhà đầu tư tổ chức có thời gian đầu tư nắm giữ dài hạn và khả năng chịu đựng rủi ro cao để vượt qua các biến động ngắn hạn.

Trong dự thảo thay đổi của Luật Chứng khoán, dự kiến có thể được ban hành vào quý IV/2024, cơ quan quản lý có dự định đưa ra các biện pháp bảo vệ bổ sung nhằm giảm bớt trường hợp các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro quá mức, chẳng hạn như giới hạn trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức. Do đó, sự tham gia tích cực hơn của nhà đầu tư tổ chức vào thị trường TPDN là rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của thị trường TPDN.

Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính và thống kê từ báo cáo tài chính bán niên, các nhà đầu tư tổ chức như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí và quỹ đầu tư chỉ nắm giữ 8% tổng số TPDN đang lưu hành tính đến cuối tháng 6/2024. Không giống như các nhà đầu tư cá nhân- những người thường tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn, thì các nhà đầu tư tổ chức thường phải cân nhắc rủi ro đầu tư kỹ hơn, có thể đầu tư dài hạn và có khả năng chịu đựng rủi ro tốt hơn đối với các biến động ngắn hạn. Nhà đầu tư tổ chức lớn nhất hiện tại là Quỹ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam với quy mô tài sản quản lý đạt 1.200 nghìn tỷ đồng tính đến cuối tháng 12/2023, tuy nhiên Quỹ chưa thực hiện đầu tư vào thị trường TPDN.

Theo TapChiTaiChinh

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button