Công ty tài chính, chứng khoán đối diện với rủi ro lớn về an ninh mạng
Các công ty tài chính, công ty chứng khoán đang đối diện với những thách thức, rủi ro như an ninh mạng, nợ xấu…
Ngày 2.10, Vietnam Report công bố danh sách top 10 công ty uy tín ngành tài chính năm 2024, bao gồm nhóm công ty chứng khoán như SSI, chứng khoán Kỹ thương, VPS, HSC, VNDIRECT… và nhóm công ty tài chính như FE Credict, Home Credit, EVN Finance…
Sau năm 2023 đầy khó khăn, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhóm doanh nghiệp tài chính nói chung đã có sự hồi phục. Thống kê đối với nhóm 20 công ty chứng khoán lớn nhất có tổng lợi nhuận sau thuế đã ngang bằng với tổng lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 và gần 75% số tương ứng năm 2023; tổng tài sản tăng 18,4% so với đầu năm. Đối với các công ty tài chính, hiện có 16 đơn vị đang được cấp phép hoạt động. Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng tài sản các công ty tài chính đạt 303.000 tỉ đồng. Đây là con số còn nhỏ so với hơn 18,18 triệu tỉ đồng của nhóm ngân hàng thương mại Việt Nam.
Theo khảo sát của Vietnam Report, ngành tài chính đang đối diện 4 thách thức. Trong đó, dẫn đầu là rủi ro công nghệ như an ninh mạng, rò rỉ dữ liệu, tội phạm tài chính gia tăng. Kế đến là nợ xấu gia tăng, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống; thị trường yêu cầu các sản phẩm tài chính chất lượng hơn và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành.
An ninh mạng đã trở thành một trong những vấn đề quan trọng đối với các công ty chứng khoán. Các công ty chứng khoán thường lưu trữ và xử lý lượng lớn thông tin nhạy cảm như dữ liệu khách hàng, giao dịch tài chính và thông tin chiến lược đầu tư. Điều này khiến họ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng nhằm đánh cắp dữ liệu, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hoặc thậm chí phá hoại hệ thống giao dịch. Rủi ro an ninh mạng không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp và niềm tin của khách hàng. Trong năm 2024, sự việc tiêu biểu là chứng khoán VNDIRECT đã bị tấn công bởi mã độc ransomware – loại phần mềm độc hại được thiết kế để mã hóa dữ liệu trên hệ thống và đòi tiền chuộc để giải mã. Sự việc trên đã khiến hoạt động giao dịch bị tê liệt hoàn toàn trong gần 10 ngày, tuy tài sản của khách hàng vẫn được đảm bảo nhưng sự việc trên cũng để lại hậu quả vô cùng nặng nề trong tâm lý nhà đầu tư.
Rủi ro an ninh mạng với công ty tài chính, chứng khoán
Cũng từ đây, những yêu cầu cao hơn đối với tính bảo mật của hệ thống giao dịch cần được đảm bảo. Hai phần ba số công ty chứng khoán trả lời khảo sát của Vietnam Report đang có kế hoạch tăng 6 – 14% ngân sách cho chương trình bảo mật và an ninh mạng trong 3 năm tới, một phần ba trong số đó lên kế hoạch tăng chi ngân sách trên 10%…
Nguồn: BaoThanhNien