Bà Trương Mỹ Lan đề nghị xem lại tội vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới
Chiều 26-9, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi. Bà Lan cho rằng số tiền chuyển về Việt Nam là tiền vay và tiền chuyển đi để trả nợ các khoản vay, nên đề nghị hội đồng xét xử xem lại tội danh này.
Làm theo nghiệp vụ chứ không bị chỉ đạo
Trả lời luật sư, ông Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) cho biết SCB có bộ phận liên quan đến thanh toán quốc tế. Các hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài về thực hiện qua bộ phận này.
Theo ông Văn, để thực hiện các giao dịch nhận tiền, chuyển tiền qua biên giới, SCB thực hiện thông qua tài khoản của SCB tại một ngân hàng ở Singapore, khi tiền về tài khoản tại ngân hàng này thì SCB báo với khách hàng là tiền đã vào tài khoản của họ và ngược lại.
Trả lời câu hỏi của luật sư về 12 giao dịch thanh toán quốc tế có phải là trả các khoản nợ vay nước ngoài không, ông Văn nói đúng và cho biết khi một doanh nghiệp trong nước vay nước ngoài, nếu khoản vay ngắn hạn thì phải báo Ngân hàng Nhà nước, hoặc nếu vay dài hạn thì phải đăng ký để sau này trả mới được chuyển tiền, doanh nghiệp nào vay thì chỉ doanh nghiệp đó mới được trả.
Ông Văn cho biết không nhận được bất cứ chỉ đạo nào của bà Trương Mỹ Lan và cho rằng đây chỉ là nghiệp vụ ngân hàng bình thường. SCB có hệ thống phòng chống rửa tiền, vẫn đang hoạt động và có báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước.
Về việc nhận 3 tỉ USD từ nước ngoài về và chuyển 1,5 tỉ USD ra nước ngoài, ông Nguyễn Phương Anh (tổng giám đốc Saigon Pennisula) cho biết việc chuyển đi thì ông không rõ nhưng Peninsula có nhận tiền thật. Theo ông, muốn tiền chuyển đi thì phải có tiền mới chuyển đi được.
“Bạn bè từ nước ngoài chuyển tiền về cơ cấu SCB”
Trả lời luật sư Phan Trung Hoài về việc trong dòng tiền chuyển từ nước ngoài về có tiền của 5 công ty nước ngoài chuyển mua cổ phần SCB không, bà Trương Mỹ Lan cho biết số tiền chuyển ra nước ngoài hơn 1,5 tỉ USD, trong khi đó bị cáo nhận về hơn 3 tỉ USD.
Trong số tiền chuyển về đó có số tiền của bạn bè nước ngoài gần 1 tỉ USD để mua cổ phần và tham gia tái cơ cấu tại SCB.
Đối với số tiền 500 triệu USD từ nước ngoài chuyển về để cho Công ty An Đông vay, bà Lan cho biết đó là tiền do ông Chu Lập Cơ và nhóm bạn cho vay nhiều lần, mỗi lần 40-50 triệu USD, tổng cộng là 545 triệu USD.
Mỗi lần tiền chuyển từ nước ngoài về đều nằm ở SCB và SCB luôn tận dụng các nguồn tiền này để trả nợ.
Bà Lan cho rằng khó khăn lắm bà mới vay được tiền chuyển về Việt Nam và tiền hiện đang nằm ở Việt Nam.
“Khi cần tiền, bị cáo nói với nước ngoài cứ cho bị cáo mượn đi, còn mượn như thế nào thì họ nói với Phương Anh hoặc Quan Công gì đấy, họ cũng đã quen làm việc với Việt Nam rồi.
Khi đến hạn thì các anh em cũng biết để tự động trả. Tiền về sử dụng như thế nào có khi bị cáo biết, có khi không biết” – bà Lan nói.
Trả lời lý do vì sao chuyển nhận tiền qua SCB, bà Lan khai SCB rất cần ngoại tệ nhưng không có ai chuyển ngoại tệ nên nguồn tiền chuyển từ nước ngoài về giúp SCB rất nhiều, nhờ đó SCB mới thu được mỗi tháng mấy trăm tỉ tiền phí dịch vụ.
Theo bà Lan, số tiền này sau đó đã bị cơ quan tố tụng sử dụng để quy kết cho bà tội danh vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, nên đề nghị xem xét lại.
Nguồn: Báo tuổi trẻ