Trên đà phục hồi
Đà phục hồi của nền kinh tế đang được nhiều yếu tố vĩ mô hỗ trợ.
Nền kinh tế khởi đầu năm 2024 với mức tăng trưởng 5,66% trong quý I. Đây là mức tăng trưởng quý I mạnh nhất kể từ năm 2020. Kết quả này là nhờ sự hồi phục của cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, cũng như sự tăng tốc trong hoạt động thương mại với bên ngoài với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2021, đảo ngược sự suy giảm trong hầu hết năm 2023.
Chỉ số Nhà Quản lý Mua hàng (PMI) ngành sản xuất đã tăng tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 5, ở mức 50,3 và là lần tăng thứ 4 tích cực trong 5 tháng đầu năm 2024, cho thấy động lực tăng trưởng vẫn khả quan. Điều này xảy ra sau khi sản xuất công nghiệp tăng 8,9% so với cùng kỳ trong tháng 5, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ 3 liên tiếp trong năm 2024.
Xuất khẩu hàng hóa ghi nhận tháng thứ 3 tăng trưởng 2 con số, với mức tăng 15,8% so với cùng kỳ trong tháng 5 từ mức 10,6% trong tháng 4 trong khi nhập khẩu tăng 29,9% so với cùng kỳ từ mức 19,9% trong tháng 4. Tính từ đầu năm đến tháng 5, xuất khẩu tăng 16% và nhập khẩu tăng 18,6% so với mức âm trong cùng kỳ năm 2023. Thặng dư thương mại lên tới 7,8 tỉ USD so với đầu năm trong tháng 5, thấp hơn mức 9,5 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái.
Trên cơ sở này, ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc Phòng Phân tích Kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, kỳ vọng sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục sau năm 2024. Nền kinh tế mạnh mẽ của Mỹ đang thúc đẩy xuất khẩu trên khắp châu Á và nhập khẩu của Mỹ tăng trưởng với tốc độ đáng chú ý là 7% trong quý I/2024 và có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay.
Ở góc nhìn logistics phục vụ kinh tế, ông Michael Kokalari nhìn nhận công suất tại khu phức hợp cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, bao gồm các bến do Gemadept, Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn… sở hữu và vận hành dự kiến tăng hơn 10% vào năm tới. Chính phủ cũng đang xem xét xây dựng một cảng trung chuyển chuyên dụng tại Cần Giờ, gần Cái Mép – Thị Vải. Điều này có thể giúp Việt Nam cạnh tranh với Singapore và Hong Kong về kinh doanh trung chuyển vì phí xử lý cảng của Việt Nam vẫn thấp hơn khoảng một nửa so với Singapore ngay cả sau khi tăng khoảng 10% phí xử lý cảng. Ngoài ra, việc xây dựng sân bay Long Thành vẫn đang tiến triển với một nhà ga hàng hóa mới dự kiến khởi công vào cuối năm nay.
Dữ liệu đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng khá lạc quan. Dòng vốn FDI kể từ đầu năm đã tăng 7,8% so với cùng kỳ lên 8,3 tỉ USD trong tháng 5, nhanh nhất trong giai đoạn 5 tháng kể từ năm 2018, đứng sau kết quả dòng vốn vào kỷ lục 23,2 tỉ USD trong năm 2023. Các hoạt động trong nước đang đi đúng hướng, với tổng doanh số bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7% so với cùng kỳ trong tháng 5, được hỗ trợ bởi lĩnh vực dịch vụ nhà hàng và lưu trú (15,1% so với cùng kỳ) và du lịch (45,1% so với cùng kỳ).
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho biết động lực chính của nền kinh tế là sự phục hồi vĩ mô đang diễn ra ổn định, lãi suất giảm, nợ công trong tầm kiểm soát và ở mức an toàn hơn so với các nước tương đồng như Việt Nam.
Trong khi những rủi ro bên ngoài tiếp tục đè nặng lên triển vọng kinh tế (bao gồm xung đột ở Đông Âu và Trung Đông), triển vọng của Việt Nam được củng cố nhờ sự phục hồi của nhu cầu chip bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực, cũng như những sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng đang diễn ra. Dựa trên dữ liệu được công bố cho đến nay, báo cáo của Ngân hàng UOB kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ đạt 6% so với cùng kỳ trong quý II/2024, kéo dài mức tăng 5,66% trong quý I. “Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024 (mục tiêu chính thức là 6-6,5%)”, báo cáo này nhận định.
Báo cáo của UOB cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách chủ chốt trong thời gian còn lại của năm 2024 trên cơ sở cân bằng giữa các yếu tố phục hồi kinh tế trong nước ổn định, áp lực lạm phát vừa phải và đồng VND yếu đi so với USD. Thay vì thay đổi lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đang tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ các hoạt động kinh tế, các lĩnh vực tăng trưởng mới, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và nhà ở xã hội.
Với các hoạt động đang được cải thiện, tỉ lệ lạm phát dao động ngay dưới mục tiêu, cũng như những lo ngại về đồng nội tệ, khả năng hạ lãi suất đã giảm đi. Việc tăng lãi suất vào thời điểm này có thể có nguy cơ cản trở môi trường tín dụng và thanh khoản. Do đó, UOB tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5% hiện tại và tập trung nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng tín dụng cũng như những biện pháp hỗ trợ khác.
Trong bối cảnh này, ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng cần kích cầu nội địa để mở rộng thị trường, sự hồi phục của nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào các chính sách đồng bộ như kích cầu nội địa, đầu tư công, thể chế.
Minh Đức
Nguồn: nhipcaudautu