Bảo tàng tăng thu từ blockchain

Tháng Bảy 4, 2024by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_bao_tang_tang_thu_tu_blockchain-e1721004121656.jpg

Bên cạnh nguồn thu truyền thống, các bảo tàng trên thế giới đang tìm kiếm nguồn thu mới từ công nghệ blockchain.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mới đây công bố việc định danh số cho 10 cổ vật nhà Nguyễn thông qua hợp tác cùng Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) và Công ty Phygital Labs.

Từ định danh số đến NFT cổ vật

Các cổ vật sẽ được gắn chip NFC Nomion do Phygital Labs phát triển. Theo ông Nam Đỗ, Giám đốc Công nghệ Phygital Labs, đó là cách xác nhận mã phiên bản số cổ vật đó được tạo ra là tương ứng với nó ở thế giới thực.

Việc ứng dụng công nghệ nhằm tạo ra các phiên bản replica (sao chép nguyên bản) được định danh và được chính đơn vị quản lý chứng thực. Theo kế hoạch, chúng sẽ được bán cho khách du lịch dưới dạng quà lưu niệm để tăng thêm nguồn thu cho các đơn vị bảo tồn cổ vật.

Trước đó không lâu, Phygital Labs cũng đã ứng dụng công nghệ này vào tượng Nghê Văn Miếu, một dự án hợp tác cùng Trung tâm Thông tin UNESCO. Mô hình này đã được một số quốc gia ứng dụng. Vào năm 2021, Ai Cập đã phát triển mô hình này với nhóm bảo vật của vua Tutankham. Theo đó, các bản sao cổ vật sẽ được đóng dấu phê duyệt từ Hội đồng Cổ vật Tối cao, giấy chứng nhận là phiên bản replica và bán dưới dạng đồ lưu niệm cho khách du lịch để thêm nguồn thu và quảng bá du lịch.

Nhưng việc ứng dụng công nghệ blockchain, cụ thể là NFT (Non-Fungible Token) không chỉ dừng ở việc bán vật phẩm replica mà còn có thể kết hợp với việc phát hành phiên bản NFT của nó. Nhiều bảo tàng tranh ảnh đang hướng đến việc này. Có thể kể đến như bảo tàng Norman Rockwell hợp tác với startup blockchain Iconic Moments phát hành bộ sưu tập NFT “Studio Sessions: The Norman Rockwell Collection” vào năm 2023. Mỗi NFT phiên bản giới hạn đều được gắn với một bản in nghệ thuật vật lý, được bảo tàng chứng nhận bằng tay.

Tương tự, bảo tàng Anh đã hợp tác với startup LaCollection (Pháp) để phát hành bộ sưu tập NFT về bảo tàng cho người chơi trò chơi The Sandbox. Trước đó, bảo tàng này và LaCollection đã hợp tác phát hành các bộ sưu tập NFT của các nghệ sĩ nổi tiếng như Katsushika Hokusai và Joseph Mallord William Turner.

Điểm chung của các bảo tàng khi tìm đến NFT là tiếp cận lượng khách hàng mới, những người sở hữu ví crypto (tiền kỹ thuật số) để đầu tư các tài sản sinh ra từ công nghệ blockchain và kêu gọi đóng góp từ họ thông qua việc bán các NFT tranh, ảnh để duy trì các hoạt động của bảo tàng.

Theo một báo cáo năm 2023 của Henley & Partners (Anh), hiện có khoảng 425 triệu người đang đầu tư vào cryto trên toàn thế giới. Trong số đó, có khoảng 88.200 người sở hữu tài khoản crypto trị giá ít nhất 1 triệu USD. Có một sự thật là phần lớn các bảo tàng tham gia thị trường NFT khi đã qua thời kỳ đỉnh cao của loại tài sản này, đó là vào năm 2022 khi lượng NFT giao dịch hằng ngày vượt trên 180.000 NFT với tổng giá trị đạt hơn 180 triệu USD.

Lạm phát cao khiến nhiều nhà đầu tư từ bỏ các khoản đầu tư rủi ro cùng với hàng loạt dự án lừa đảo NFT xuất hiện là những nguyên nhân khiến thị trường NFT sụp đổ hoàn toàn vào cuối năm 2022. Những gì diễn ra trong năm 2023 cho thấy sự mong manh của thị trường NFT. Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, việc NFT được kết nối với các vật phẩm vật lý của bảo tàng không chỉ giúp các bảo tàng có thêm nguồn thu mà còn giúp thị trường NFT lấy lại uy tín sau giai đoạn biến động vừa qua.

Bài học của thế giới

“Các NFT được định danh từ một sản phẩm giới hạn ở thế giới thực là yếu tố được kỳ vọng tạo nên niềm tin và hình thành nguồn thu mới”, ông Nam của Phygital Labs nói. Thực tế, đã có trường hợp ghi nhận doanh thu từ việc hợp tác như vậy như thương vụ Iconic Moments phát hành NFT của họa sĩ Jackson Pollock (Mỹ). Mỗi NFT được bán khoảng 1.500 USD, đã giúp quyên góp được 250.000 USD cho bảo tàng. Hay phòng trưng bày Uffizi (Ý) đã hợp tác với Cinello phát hành NFT Tondo Doni của họa sĩ, nhà điêu khắc Michelangelo được bán với giá 240.000 EUR.

Mặc dù vậy, vẫn có nhiều điểm cần lưu ý khi các bảo tàng phát hành NFT sản phẩm của mình. Điển hình như phiên bản NFT Tondo Doni, phòng trưng bày Uffizi chỉ nhận được 70.000 EUR (khoảng 75.000 USD) từ việc bán đấu giá. Phần còn lại là chi phí hạ tầng, hoa hồng cho Cinello tất cả đã được thỏa thuận trong bản hợp đồng 5 năm. Điều này được cho là Uffizi không tính toán kỹ về chi phí giữa 2 bên và là bài học lưu ý cho các bảo tàng muốn phát hành NFT nhưng chưa hiểu rõ cách vận hành của công nghệ này.

Trao đổi với NCĐT, ông Nam của Phygital Labs cho biết đó không phải là trở ngại lớn với các bảo tàng ở Việt Nam khi muốn tiếp cận tập khách hàng mới trên nền tảng blockchain vì có thể học bài học từ các bảo tàng trên thế giới ứng dụng thành công để tìm ra mô hình phù hợp.

Ông cũng cho biết việc NFT các cổ vật có trong kế hoạch hợp tác giữa Công ty và các đối tác, sẽ ra mắt trong tương lai gần. Trước mắt, Phygital Labs và các đối tác tập trung vào việc phát hành các bản replica được chứng thực bởi công nghệ blockchain và phát triển bảo tàng Metaverse được thiết kế thiết bị Apple Vision Pro và Meta Quest (có khoảng 20 triệu người sở hữu trên toàn cầu).

Đây cũng là một hình thức tạo ra nguồn thu mới cho bảo tàng nếu mở dịch vụ tham quan cho khách hàng toàn cầu, mở ra cơ hội kinh doanh các vật phẩm replica. “Từ trải nghiệm đa giác quan trên triển lãm số (immersive metaverse), chúng ta có thêm cơ hội bán vé tham quan, tăng nguồn thu từ tập khách hàng số vốn đang rất thiếu những nội dung thu hút từ thế giới thực”, ông Nam nói.

Huy Vũ

Nguồn: nhipcaudautu

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button