Tấm khiên đạo đức A.I

Tháng Bảy 1, 2024by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_tam_khien_dao_duc_ai-e1720440378434.jpg

Cùng với cơn sốt trí tuệ nhân tạo (A.I), vấn đề đạo đức, quyền riêng tư, công bằng và trách nhiệm trong sử dụng A.I càng được quan tâm.

Khi giọng nói ngọt ngào như tiếng thủ thỉ của Scarlett Johansson trong phim viễn tưởng Her được vang lên ngay trên sân khấu ra mắt trợ lý giọng nói của ChatGPT có tên Sky, hẳn nhiều người cảm thấy thích thú và phấn khích. Nhưng bản thân Scarlett không nghĩ như vậy. Nữ diễn viên nổi tiếng của Hollywood đã kiện OpenAI vì có khả năng cao họ đã sử dụng giọng nói của cô mà chưa được cho phép.

OpenAI cho biết họ dùng giọng nói của một diễn viên khác, nhưng rốt cuộc bản dùng A.I giọng nói đã tạm thời bị gỡ xuống. Nếu ngay tại nơi khởi nguồn của A.I tạo sinh, đạo đức có thể bị vi phạm như vậy thì vấn đề quyền riêng tư, công bằng và trách nhiệm trong sử dụng A.I như thế nào? Thảo luận bàn tròn giữa những CEO công nghệ tại sự kiện AI Day diễn ra vào cuối tháng 5/2024 cho thấy nhiều điều đáng lưu tâm.

Hạ tấm khiên đạo đức

“Chúng ta là người sở hữu những gì chúng ta tạo ra bằng A.I”, ông Trương Hoàng Thọ, đồng sáng lập Dizim, phân tích. Khi sử dụng những sản phẩm này cho mục đích thương mại thì quyền sử dụng thương mại phải nằm trong những điều kiện do từng nền tảng (platform) quy định, ví dụ hình ảnh do Dall E tạo ra thì phải tuân thủ luật thương mại Dall E quy định. Trong số đó, quy định về vi phạm bản quyền được thể hiện rất rõ ràng. “Những sản phẩm được tạo ra dựa trên dữ liệu và những dữ liệu đó phải có bản quyền”, ông Thọ bổ sung.

Đối với trường hợp của OpenAI, ông Thọ đặt câu hỏi phía OpenAI đã xin phép bản quyền sử dụng từ nữ diễn viên và nhận được sự chấp thuận chưa. “Chúng ta cũng cần phải là người chủ động xác định dữ liệu sử dụng đã có bản quyền chưa… Đạo đức là sự tự giác. Trước khi có A.I, chúng ta tự giác về tuân thủ, tôn trọng bản quyền. Khi có A.I cũng vậy”, ông nói.

Tháng 3/2023, một sự kiện “thú vị” đã diễn ra sau khi ChatGPT ra mắt trên toàn cầu: Microsoft sa thải 100% một nhóm “đạo đức A.I”, khoảng 10 người. Microsoft sa thải vì không muốn nghe những câu từ chối nữa, các công ty khác cũng làm theo nên hầu như không còn nhóm “đạo đức A.I” nào nữa. Đây là cột mốc quan trọng để sau đó hàng loạt tập đoàn khác phát triển A.I một cách chóng mặt.

Trên thực tế, Google không đối xử khác đi trong việc trả về kết quả tìm kiếm với những nội dung được tạo ra bằng A.I. Có 3 điểm đáng lưu ý trong hướng dẫn nội dung mà Google chia sẻ là bài viết phải có giá trị cho người đọc, bài viết phải được con người biên tập lại và không cố thao túng kết quả tìm kiếm.

“Mình sợ, nhưng mình học theo các phương pháp chống bản quyền”, ông Đặng Hữu Sơn, sáng lập kiêm CEO của LovinBot, nói. Quay lại câu chuyện dữ liệu được tải lên, Gemini đã có thể tóm tắt email và ông Sơn đang tối ưu hóa chức năng này để rút ngắn thời gian lướt qua một ma trận thông tin cho mình.

Nhận biết rủi ro về mất an toàn thông tin khi tải dữ liệu lên, vị CEO của LovinBot đã có sự chuẩn bị cho người dùng trên nền tảng sáng tạo nội dung bằng cách ứng dụng A.I của họ. Đó có thể là embedding, mã hóa văn bản thành chuỗi số, để cho dù có lộ chuỗi số ra ngoài thì cũng không có ý nghĩa hoặc cho phép khách hàng của họ xóa trực tiếp file trên hệ thống sau khi tải lên.

Những đạo luật A.I

Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) ở EU sẽ được điều chỉnh bởi Đạo luật A.I mới được thông qua sơ bộ bởi Ủy ban châu Âu vào ngày 21/5/2024. Sau khi được thông qua chính thức bởi Thượng viện châu Âu (dự kiến vào tháng 6/2024), đạo luật này sẽ được đưa vào áp dụng trong thực tế. Đạo luật đầu tiên trên thế giới thuộc loại này tuân theo cách tiếp cận dựa trên rủi ro nhằm phân loại các loại hệ thống A.I thành các mức độ rủi ro. Nguy cơ gây tổn hại cho xã hội càng cao thì các quy tắc xung quanh việc sử dụng nó càng chặt chẽ.

Việc sử dụng A.I để thao túng hành vi nhận thức, chấm điểm xã hội và hệ thống kiểm soát dữ liệu sinh trắc học dự đoán nhằm phân loại chủng tộc, tôn giáo và khuynh hướng tình dục đều bị cấm. Các lĩnh vực sử dụng A.I có rủi ro cao sẽ cần phải đăng ký trên cơ sở dữ liệu trung tâm của các hệ thống A.I có rủi ro cao, thực hiện (và vượt qua) đánh giá các quyền cơ bản cũng như gửi kiểm toán thường xuyên.

Các tổ chức bị phát hiện vi phạm Đạo luật A.I mới sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 7% doanh thu toàn cầu hằng năm của họ hoặc lên tới 35 triệu EUR. Con số này cao hơn mức phạt của Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR), vốn được xem là luật bảo mật và quyền riêng tư nghiêm ngặt nhất trên thế giới, với mức phạt tương ứng 4% doanh thu hoặc 20 triệu EUR.

“Dưới góc nhìn của châu Âu, bảo vệ đạo đức và trách nhiệm trong A.I quan trọng không thua kém gì bảo vệ dữ liệu cá nhân”, ông Philip Hùng Cao, sáng lập Dr. TekFarmer, nhận xét. Ông lưu ý các doanh chủ làm việc với các đối tác đến từ châu Âu cần tìm hiểu đạo luật như thế nào, phạm vi áp dụng ra sao để tránh bị phạt nếu không quan tâm.

Tại Việt Nam, sau một thời gian dài chờ đợi, Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được Chính phủ ban hành vào tháng 4/2023 và có hiệu lực từ tháng 7 cùng năm. Cùng với Luật An ninh mạng và Nghị định số 53, lần lượt được ban hành vào tháng 6/2018 và tháng 8/2022, Nghị định 13 là văn bản thứ 3 được ban hành trong kế hoạch của Chính phủ nhằm tăng cường khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động trên không gian mạng.

“Nghị định 13 cực kỳ nguy hiểm đối với công ty công nghệ”, ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Marketing của Haravan, bình luận về mạng lưới liên kết dữ liệu mà các công ty công nghệ như Haravan cần tham gia. Để bảo vệ bản thân và khách hàng trước những yêu cầu pháp lý, họ quy định rõ về các điều khoản bảo mật trong hợp đồng. Ví dụ, không dùng chéo dữ liệu của nhau và để khách hàng cung cấp thông tin một cách chủ động.

Một điều thú vị mà Giám đốc của Haravan nhận thấy trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam, đó là luật có khả năng hồi tố. Ông Tấn lấy ví dụ về việc trong 4 tháng gần đây đã thu được cả trăm ngàn tỉ đồng nhờ truy thu thuế của 5 năm trước. Điều tương tự có thể xảy ra nếu đạo luật A.I được thông qua sau này. “Đó là tiếng chuông báo động cho các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Tấn kết luận.

Hằng Nguyễn

Nguồn: nhipcaudautu

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button