Camera Make in Vietnam vào công xưởng Trung Quốc

Tháng Sáu 27, 2024by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_camera_make_in_vietnam_vao_cong_xuong_trung_quoc-e1720424605849.jpg

Thị trường Trung Quốc là động lực giúp doanh nghiệp Việt Nam đặt cược vào một tương lai công nghệ lớn hơn, như camera kết hợp trí tuệ nhân tạo (A.I).

Doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội xuất khẩu camera và smart card sang Trung Quốc. Kế hoạch kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn MK (MK Group) đang phát triển theo xu thế này nhằm mang lại doanh thu trên 150 triệu USD trong 3 năm tới.

Nền tảng hậu thuẫn

Hậu thuẫn cho kế hoạch này của MK Group là chuỗi sản xuất camera Make in Vietnam đã định hình, từ khâu lên ý tưởng, thiết kế sản phẩm, triển khai sản xuất đến kiểm soát chất lượng và cung cấp ra thị trường. Hiện MK Group đã xác định được công nghệ lõi sản xuất camera sau gần 4 năm đầu tư hàng chục triệu USD. Đóng góp vào kế hoạch này, còn có nhà máy sản xuất camera thông minh tại Vĩnh Phúc đã đưa vào sản xuất từ tháng 1/2024.

Trung Quốc ngày càng nhập khẩu nhiều máy ảnh, máy quay phim và linh kiện từ Việt Nam. Quý I/2024 quốc gia này tiếp tục là thị trường nhập khẩu camera, máy ảnh và linh kiện lớn nhất của Việt Nam với 1,4 tỉ USD, tăng 119% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023 (theo Tổng cục Thống kê).

Máy ảnh số đã không thể cạnh tranh với smartphone có camera tốt, sẵn sàng kết nối Wi-Fi và luôn được người dùng mang theo. Hai năm COVID-19 hoành hành được ví như “cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng con lạc đà” khi nhu cầu về chụp ảnh sụt giảm trên phạm vi toàn cầu, Trung Quốc không ngoại lệ. Các thương hiệu máy ảnh đều rơi vào tình trạng xuống dốc.

Một loạt thương hiệu camera đình đám một thời buộc phải dừng hoạt động, đóng cửa các nhà máy sản xuất, như Nikon ngừng hoạt động tại nhà máy ở tỉnh Giang Tô trong năm 2021; Canon đóng cửa nhà máy cuối cùng tại tỉnh Quảng Đông vào đầu năm 2022. Trước đó, Fujifilm cũng chuyển hướng sang thị trường dược phẩm sau khi mua lại Toyama Chemical vào năm 2017.

Tại Trung Quốc, các nhà sản xuất lớn tìm cách thu gọn quy mô sản xuất, chuyển sang thị trường ngách, tập trung vào xu hướng mới như máy ảnh không gương lật. Điều này diễn ra trong bối cảnh Huawei tung ra mẫu P9, ống kính Leica, còn Vivo cũng hợp tác với hãng sản xuất ống kính máy ảnh Zeiss để tranh giành sức ảnh hưởng. Và đây là cơ hội cho Việt Nam. Chỉ trong nửa đầu năm 2022 xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim và linh kiện sang thị trường này đã tăng 66,91% so với cùng kỳ năm trước.

Smartphone chụp ảnh là xu hướng tất yếu, nhưng sau dịch bệnh và suy thoái, các nhà sản xuất Trung Quốc đang dẫn dắt thị trường tập trung vào các dòng sản phẩm phù hợp với từng nhóm khách hàng, đặc biệt là Gen Z. Theo Hiệp hội Máy ảnh và Hình ảnh chuyên nghiệp (CIPA), smartphone đã biến chụp ảnh thành một hoạt động hằng ngày, nhưng các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lại thúc đẩy máy ảnh gắn ống kính tăng vọt.

Cạnh tranh với Trung Quốc

Việc Việt Nam sản xuất các mặt hàng tương đồng với Trung Quốc có những lợi thế nhất định, nhưng duy trì được kim ngạch xuất khẩu cũng rất khó khăn. Sản phẩm đến từ Việt Nam cũng phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại đến từ các tập đoàn lớn của Trung Quốc, đứng sau là chuỗi sản xuất nội địa và hàng nhập khẩu từ các hãng Nikon Corporation, Sony Corporation và Canon Inc.

Mức độ cạnh tranh ngày càng lớn khi các nhà sản xuất Trung Quốc và nước ngoài liên tục cải thiện kỹ thuật và cung cấp những phương pháp chụp ảnh mới, khuyến khích video phát triển, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Thêm nữa, nhà sản xuất Trung Quốc đã không ngồi yên nhìn doanh nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh thị trường. Hiện nay, các công ty sản xuất và kinh doanh camera phát triển rất mạnh tại Trung Quốc, nhiều công ty có doanh số 6-10 tỉ USD/năm. Giữa tháng 12 năm ngoái, ông Vương Kiến Cường, CEO của QTech, tập đoàn công nghệ chuyên sản xuất, chế tạo module camera lớn thứ 3 Trung Quốc, đã đến Việt Nam, làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An về kế hoạch đầu tư dự án trị giá 430 triệu USD.

Chưa có hệ sinh thái sản xuất là một điểm yếu đối với các nhà sản xuất Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu linh kiện máy ảnh, máy quay phim, phần giá trị gia tăng mang lại chưa nhiều. Theo cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước này, Trung Quốc đã trở thành thị trường có tiêu chuẩn cao, kiểm soát chất lượng khắt khe ngay từ đầu vào. Sự gần gũi về mặt địa lý là một thuận lợi, nhưng sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và tập quán kinh doanh đang là rào cản hàng hóa Việt Nam vào thị trường này.

Thị trường đang ghi nhận sự thích ứng với thời cuộc của các nhà sản xuất Việt Nam. Nhiều công ty đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới ngoài Trung Quốc, đặt cược vào một tương lai công nghệ lớn hơn, như kết hợp trí tuệ nhân tạo (A.I). Trước đó, Bkav xuất khẩu camera giám sát an ninh Bkav AI View cho khách hàng ở Ấn Độ.

Viettel High Tech đang bán camera made in Vietnam có ứng dụng A.I sang một số thị trường như Singapore, Ấn Độ, Malaysia cùng các thị trường tập đoàn này đã đầu tư. Năm ngoái, quá trình thử nghiệm sản phẩm camera đã cho kết quả tích cực, đặc biệt là tính năng bảo mật E2EE. Viettel High Tech không tập trung cạnh tranh bằng giá mà cung cấp giải pháp phát triển hệ sinh thái nhằm mục đích mang đến nhiều giá trị gia tăng cho người dùng.

Tuy nhiên, lộ trình này của Viettel High Tech có một số khó khăn do các tính năng A.I nâng cao chưa thực sự là nhu cầu thiết yếu, giá bán chưa thuyết phục được khách hàng, thậm chí nhiều khách hàng chưa hoàn toàn tin tưởng đây là sản phẩm do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất.

Trong khi đó, một số nhà sản xuất lớn đang âm thầm triển khai ý tưởng thành lập liên minh camera Make in Vietnam, mỗi doanh nghiệp phát triển một phân khúc của chuỗi giá trị, như phát triển ý tưởng, thiết kế, làm thương hiệu, sản xuất và bán hàng. Nếu thành công, chuỗi sản xuất camera của Việt Nam có thể sẽ trải rộng ra các thị trường ngoài Trung Quốc, mang lại giá trị cao hơn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Vân Nguyễn

Nguồn: nhipcaudautu

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button