Có hơn 904.700 thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành tại Việt Nam
Giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị đạt 10.000 tỉ đồng.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong quý I/2024, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được những kết quả tích cực so với cùng kỳ. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị; qua kênh internet tăng 48,81% về số lượng và 25,73% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 58,70% về số lượng và 33,12% về giá trị. Theo xu hướng đó, thẻ tín dụng vừa là phương tiện thanh toán tiện lợi, vừa là công cụ để người dân tiếp cận dễ dàng với nguồn tín dụng của ngân hàng.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho rằng, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa có nhiều tiện ích, ưu đãi hấp dẫn không kém gì thẻ tín dụng quốc tế. Với những lý do tích cực như cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân ngày càng tăng, xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số ngày càng thịnh hành thì thị trường thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tiềm năng phát triển nữa.
Tính đến tháng 3/2024, Việt Nam với quy mô dân số 100 triệu dân đã có trên 904.700 thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành (tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng thẻ tín dụng quốc tế là 9,53%). Giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị đạt 10.000 tỉ đồng (tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị, cao hơn mức tăng tương ứng của thẻ tín dụng quốc tế là 27,26% và 25,1%).
Thẻ tín dụng được đánh giá là một công cụ hữu ích giúp quản lý tài chính và xây dựng lịch sử tín dụng của người sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay người dân vẫn còn khá dè chừng khi sử dụng sản phẩm này.
Theo chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Ngọc Đức, Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến người dân vẫn còn dè chừng khi sử dụng sản phẩm thẻ tín dụng. Đầu tiên, thói quen tiêu dùng của người Việt vẫn thiên về hình thức chi tiêu bằng tiền mặt, đặc biệt là các vùng ngoại ô, tỉnh, nơi công nghệ chưa có nhiều điều kiện tiếp cận với đời sống. Thêm vào đó, tâm lý của việc sợ tăng gánh nặng tài chính khi có nợ, hoặc chi tiêu mất kiểm soát do có thêm tiền thẻ tín dụng khiến không còn khả năng trả nợ cũng là một trong các lý do khiến nhiều người e dè sử dụng sản phẩm này. Theo Phó Giáo sư, để thúc đẩy sử dụng thẻ tín dụng nội địa của các ngân hàng thương mại Việt Nam, cần tăng cường tiện ích cho người sử dụng thẻ; tăng cường hiểu biết về thẻ tín dụng (minh bạch); ứng dụng Fintech để giảm phí thẻ tín dụng.
Trong khi nhìn ở góc độ rủi ro, ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, năm 2023, NCSC ghi nhận gần 17.400 phản ánh liên quan đến lừa đảo trực tuyến từ người dùng Internet trong năm 2023; riêng quý I/2024, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam nhận hơn 4.100 phản ánh, trong đó hơn 60% người dùng truy cập từ điện thoại cá nhân khi bị lừa đảo trực tuyến. Việc truy hồi dòng tiền khi đã chuyển tiền ra ngoài là rất phức tạp. Ông Sơn cho rằng, các ngân hàng cần đặc biệt lưu tâm cải tiến về về mặt công nghệ để có thể tự giảm thiểu tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt, khi mà hiện nay chưa có quỹ xử lý rủi ro mà các giao dịch này gây ra.
Việt Hà
Nguồn: nhipcaudautu