EBITDA dương: Chìa khoá tăng trưởng bền vững của startup giáo dục trực tuyến
Manh nha ở Việt Nam từ năm 2007 với những cái tên đầu tiên là hocmai.vn, Delta Việt,… giáo dục trực tuyến đã có 17 năm phát triển.
Trải qua đủ thăng trầm, hiện giáo dục trực tuyến đã trở thành hình thức học tập tồn tại song song với giáo dục truyền thống. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đều đang đứng trước bài toán phát triển bền vững cần giải.
Tăng trưởng hợp lý thay vì tăng trưởng nóng
Trong bài chia sẻ với CNBC hồi tháng 5/2022, Kyle Stanford, một nhà phân tích VC cấp cao tại PitchBook cho biết, phần lớn sự tăng trưởng trong 5 năm qua của các công ty công nghệ là “đốt tiền” để phát triển nhanh nhất có thể và “Nếu đảm bảo rằng đối thủ cạnh tranh cùng ngành còn đốt tiền nhiều hơn, chúng tôi càng rót thêm tiền”.
Tuy nhiên, kỷ nguyên tiền rẻ, lãi suất thấp, thúc đẩy các khoản đầu tư rủi ro vào các công ty khởi nghiệp công nghệ đã kết thúc. Sau Covid-19, các ngân hàng trung ương trên thế giới đều tăng lãi suất để chống lại lạm phát. Sự thay đổi này khiến cho các nhà đầu tư toàn cầu trở nên thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố lợi nhuận lâu dài và sự bền vững thay vì chỉ tập trung vào câu chuyện tăng doanh thu, lượng người dùng và thị phần.
Nằm trong bức tranh chung toàn cảnh ấy, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến cũng dịch chuyển sang một giai đoạn mới, không tăng trưởng bằng mọi giá mà tăng trưởng bền vững với chi phí hợp lý.
Chia sẻ về quan điểm tăng trưởng mới này, ông Phạm Giang Linh – Tổng Giám đốc của Galaxy Education nói: “Chúng tôi chọn tăng trưởng ở mức hợp lý để cắt giảm chi phí tuyển sinh, xây dựng sức khỏe tài chính tốt, và một mô hình kinh doanh bền vững”.
Giải bài toán EBITDA dương
Con đường dẫn tới sức khỏe tài chính tốt và một mô hình kinh doanh bền vững bắt đầu từ việc đạt được lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao dương (EBITDA dương).
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có EBITDA dương?
Các công ty giáo dục trực tuyến hiện đang giải bài toán này dựa trên ba chiến lược chính.
Đầu tiên là tập trung lấy người dùng thực sự có nhu cầu về các sản phẩm giáo dục trực tuyến thay vì lấy người dùng đại trà. Các công ty kinh doanh dựa trên nền tảng internet từ thương mại điện tử, giao đồ ăn, thậm chí giáo dục trực tuyến trước đây đều chi rất nhiều vào khuyến mãi khủng và đốt tiền quảng cáo để lấy người dùng. Tuy nhiên điều này sẽ là một sự lãng phí lớn nếu như các khách hàng đó không thực sự có nhu cầu đối với các sản phẩm giáo dục trực tuyến vì họ chỉ mua sản phẩm do ham khuyến mãi, hết khuyến mãi là ngừng mua.
Áp dụng chiến lược này, các thương hiệu sản phẩm giáo dục thuộc Galaxy Education như HOCMAI, FUNiX, ICAN (với các thương hiệu nhánh ICANCONNECT và ICANTECH) đã hạn chế các chương trình ưu đãi sâu, cắt giảm chi phí quảng cáo, phát triển các kênh phân phối mới mang sản phẩm giáo dục đến tận tay người học như kênh đối tác có cùng tệp khách hàng mục tiêu.
Một lớp học tiếng Anh trực tuyến cùng giáo viên nước ngoài của ICANCONNECT.
Thứ đến là tăng cường chăm sóc người dùng hiện có, qua đó tăng tỉ lệ gia hạn. Có một sự thật hiển nhiên là việc thuyết phục khách hàng hiện có dễ hơn thuyết phục khách hàng mới rất nhiều. Chưa kể, giáo dục là lĩnh vực đặc thù, nhu cầu học lên các trình độ tiếp theo, hay cập nhật kiến thức và kỹ năng mới với mỗi người giờ đây là suốt đời, vì vậy một khi giữ chân được khách hàng thì giá trị vòng đời khách hàng đối với những công ty có hệ sinh thái sản phẩm giáo dục đa dạng là rất lớn.
Lấy Galaxy Education làm ví dụ, đơn vị này dành nguồn lực khá lớn cho việc nâng cao chất lượng các sản phẩm giáo dục của Công ty một cách toàn diện từ chương trình học, nội dung cho tới đào tạo giáo viên và quy chuẩn vận hành để đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của khách hàng. Đây là đơn vị đầu tiên đầu tư nghiên cứu và sản xuất các bài giảng theo khung chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo dưới thương hiệu HOCMAI, phục vụ tập khách hàng hiện có đang là học sinh phổ thông. Tương tự, thương hiệu FUNiX của Galaxy Education cũng nghiên cứu phát triển các khóa đào tạo kiến thức và kỹ năng mới hiện đang hot như các khóa học phân tích dữ liệu, tiếp thị kỹ thuật số, an ninh mạng,… dành cho tập khách hàng hiện có là người đi làm. Bên cạnh đó, Công ty còn thường xuyên tổ chức đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cập nhật cho họ các phương pháp và công nghệ giảng dạy mới nhất.
Mentor, chuyên gia khoa học dữ liệu, chia sẻ về nghề nghiệp với các học viên của FUNiX.
Song song với việc đầu tư nâng cao chất lượng các sản phẩm giáo dục, Galaxy Education còn đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ, qua đó gia tăng mức độ hài lòng của khách hàng hiện có. Đơn vị đã xây dựng thành công chu trình hỗ trợ người học toàn diện, đảm bảo giúp họ duy trì động lực và đạt được mục tiêu học tập. Đây là chu trình khép kín với các cấu phần Học – Luyện (với học sinh), Áp dụng vào thực tiễn công việc (với người đi làm) – Kiểm tra/Thi – Tư vấn chọn nghề/trường/ngành học (với học sinh), Hỗ trợ xin việc/đổi nghề (với người đi làm). Ngoài ra, các cố vấn học tập, mentor của đơn vị luôn đồng hành hỗ trợ và tư vấn cho học viên trong suốt quá trình học tập.
Cuối cùng là tối ưu quy trình hoạt động, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí, nâng cao năng suất làm việc. Trí thông minh nhân tạo (A.I) là lực đẩy giúp các công ty công nghệ giáo dục tối ưu chi phí trong bối cảnh hiện nay. Thực tế chứng minh đã có doanh nghiệp giáo dục trực tuyến ứng dụng và cải thiện cả chi phí lẫn năng suất làm việc rõ ràng.
Theo ông Wilson Liêu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam kiêm Chủ tịch Liên minh Phát triển Nguồn nhân lực số Việt Nam, cách làm video bài giảng thông thường mất tầm 1 tháng cho việc lên ý tưởng, quay, dựng và làm hậu kỳ. Giờ đây thời gian này được rút xuống còn 7 ngày.
Các đơn vị khác như Galaxy Education cũng đã nhanh chóng đưa “giáo viên A.I” vào chấm bài kiểm tra speaking và writing cho học sinh các lớp học tiếng Anh, giúp giảm chi phí đến 90% so với sử dụng giáo viên thông thường. Đơn vị này cũng đã áp dụng công nghệ A.I vào giúp học viên luyện phát âm và luyện nói để chuẩn bị cho kỳ thi IELTS, qua đó tiết kiệm nguồn lực giáo viên.
Trong bối cảnh “mùa đông gọi vốn” ở Đông Nam Á vẫn chưa qua, ngành giáo dục trực tuyến tiếp tục ghi nhận khoản đầu tư mới 2,5 triệu USD được rót vào startup dạy tiếng Anh trực tuyến NativeX từ Ansible Ventures và BluePrint Ventures vào tháng 1/2024. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đánh giá cao tiềm năng của thị trường giáo dục trực tuyến tại Việt Nam. Giờ đây, với việc chuyển hướng từ tăng trưởng nóng sang tăng trưởng hợp lý, cắt giảm chi phí, xây dựng sức khỏe tài chính tốt và mô hình kinh doanh bền vững, giáo dục trực tuyến Việt Nam đã sẵn sàng cho một chu kỳ tăng trưởng mới, mạnh mẽ hơn.
Hoàng Kim
Nguồn: nhipcaudautu