McKinsey Global: Việt Nam đang trở thành nhà cung cấp lớn cho Mỹ

Tháng Hai 20, 2024by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_viet_nam_tro_thanh_nha_cung_cap_lon_cho_my-e1709008618249.jpg

Báo cáo thương mại toàn cầu của McKinsey cho biết Việt Nam trở thành nhà cung cấp lớn hơn cho Mỹ khi lượng hàng xuất khẩu tăng thêm 10% trong 6 năm.

Viện Toàn cầu McKinsey (MGI) vừa công bố báo cáo chỉ ra rằng cường độ thương mại hàng hóa của Việt Nam chiếm khoảng 180% GDP, một trong những mức cao nhất trên thế giới – tăng từ 100% vào 2010. Con số này cao hơn 70-100 điểm % so với Hàn Quốc, Đức và các nền kinh tế ASEAN khác. Điều này cho thấy sự hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu xuyên biên giới ngày càng sâu sắc.

Theo MGI, một dấu hiệu khác cho thấy Việt Nam đang tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu là khoảng cách địa lý trong giao thương đang tăng lên. Đáng chú ý nhất là Việt Nam đang trở thành nhà cung cấp lớn hơn cho Mỹ. Năm 2017, 20% hàng xuất khẩu của Việt Nam đến Mỹ nhưng con số này đã tăng lên 30% vào 2022. Mỹ hiện là thị trường chính cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Báo cáo cũng cho biết, khoảng cách địa chính trị trong thương mại của Việt Nam không thay đổi nhiều, thực tế ít biến đổi hơn so với một số nền kinh tế lớn. Việt Nam vẫn giao dịch với nhiều đối tác thương mại trên khắp phạm vi địa chính trị. Dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã chuyển dịch sang Mỹ, hơn 40% hàng nhập khẩu của nước này đến từ Trung Quốc.

Đại diện McKinsey Global nhận định, rằng Việt Nam đang tận hưởng những cơ hội ngày càng tăng do sự tái cấu trúc mô hình thương mại giữa các đối tác lớn. Từ 2017 đến 2023, tỉ lệ hàng hóa sản xuất nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc giảm từ 24% xuống 15%. Điều này đặc biệt rõ ràng trong mặt hàng điện tử, từ 50% còn 30%.

Ngược lại, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ sự sụt giảm trên, với tỉ trọng hàng xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh. Điển hình, laptop và điện thoại di động của Trung Quốc xuất sang Mỹ giảm tỉ trọng trong cả 2022, 2023, trong khi Việt Nam đang xuất khẩu ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra là Việt Nam phải tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế nội địa từ. Trong đó, Việt Nam cần tập trung cải thiện chuyên môn và tiến lên những phân khúc giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng.

Nói về dòng vốn trong bức tranh toàn cầu, số liệu tại MGI cho thấy đầu tư đang tăng vào một số nền kinh tế đang phát triển. Điều này có thể cho thấy có sự tái cấu trúc thương mại mạnh mẽ hơn trong những năm tới. Khoảng 60% vốn FDI dành cho các dự án mới (greenfield – công ty mẹ xây dựng và thiết lập các cơ sở hay chi nhánh hoàn toàn mới ở nước ngoài) đã đổ vào các nền kinh tế đang phát triển kể từ năm 2010, nhưng điểm đến của nó đang thay đổi. Sự gia tăng lớn nhất trong hai năm qua là ở châu Phi và Ấn Độ, trong khi vốn đầu tư công bố vào Trung Quốc và Nga lần lượt giảm 70% và 98% so với mức trung bình trước đại dịch.

Trong thời kỳ COVID-19, công bố FDI mới vào Việt Nam có giảm, nhưng đã phục hồi. Đầu tư vào Việt Nam đến từ các quốc gia trên khắp phạm vi địa lý và địa chính trị. Ví dụ, vốn đầu tư được công bố từ các công ty Mỹ đã tăng vọt trong năm 2022 lên tổng cộng 22 tỉ USD, so với mức trung bình trước đại dịch khoảng 3 tỉ USD. Tính đến hết tháng 10, Trung Quốc đã công bố khoản đầu tư 11 tỉ USD vào Việt Nam, so với mức trung bình hàng năm trước đại dịch dưới 2 tỉ USD. Sự gia tăng này chứng tỏ tiềm năng của Việt Nam như một cơ sở sản xuất công nghệ cao bởi hơn 80% vốn đổ vào linh kiện điện tử và sản xuất chất bán dẫn.

Các nhà phân tích của McKinsey cho rằng, dù tương lai của mô hình thương mại toàn cầu vẫn chưa rõ ràng và tồn tại nhiều bất ổn, các nhà lãnh đạo khu vực công và tư nhân Việt Nam vẫn có thể chủ động định vị để tận dụng các cơ hội và thậm chí định hình cục diện. Hiểu biết thực tế địa chính trị đang trở thành một năng lực cốt lõi của các nhà lãnh đạo. Đặc biệt, những doanh nghiệp nắm rõ chuỗi giá trị và mối quan hệ với nhà cung cấp sẽ có thêm lợi thế.

Nhìn chung, cấu trúc thương mại thế giới đã và đang thay đổi. Từ 2017, Trung Quốc, Đức, Anh và Mỹ đã giảm khoảng cách địa chính trị trong thương mại từ 4-10%. Mỹ cũng đã giảm khoảng cách địa lý và đa dạng hóa nguồn gốc thương mại. Trong khi đó, các nền kinh tế thuộc ASEAN, Brazil và Ấn Độ đang tăng cường thương mại cả về mặt địa chính trị và trên phạm vi xa hơn về địa lý.

Cẩm Tú

Nguồn: nhipcaudautu

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button