Đi tìm các ngôi sao triển vọng 2024
Đi tìm các doanh nghiệp niêm yết có triển vọng tăng trưởng tốt nhất trong năm 2024 trong bối cảnh kinh tế tìm đường phục hồi.
FPT đã có năm 2023 tỏa sáng khi liên tục có những hợp đồng giá trị và tăng cường đầu tư cho trí tuệ nhân tạo (A.I), chuyển đổi số, tiến hành M&A, ký kết quốc tế, mở rộng thị trường nước ngoài cũng như dấn bước vào lĩnh vực mới. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT, tiết lộ, Tập đoàn đã nhận đơn hàng gần 70 triệu chip tới năm 2025. Trước những chuyển động này, giá trị vốn hóa có lúc vượt 5 tỉ USD (6/9/2023) và FPT ghi nhận tăng trưởng 2 con số với doanh thu xấp xỉ 2 tỉ USD chỉ sau 10 tháng năm 2023.
SSI Research kỳ vọng, sang năm 2024 FPT sẽ giành được nhiều hợp đồng hơn nhờ lợi thế chi phí thấp và lợi ích dài hạn từ độ nhận diện ngày càng tăng trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, FPT sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ lãi suất giảm, mảng xuất khẩu phần mềm kỳ vọng tăng và xu hướng chuyển đổi số toàn cầu.
Không chỉ FPT, FiinGroup đã đưa cổ phiếu công nghệ thông tin vào nhóm ngành hấp dẫn trong năm 2024 nhờ kỳ vọng của tiến trình chuyển đổi số cùng xu hướng A.I đang kích thích chi tiêu cho phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, đặc biệt ở lĩnh vực liên quan đến đám mây.
Nhưng ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, thừa nhận, việc đánh giá thị trường chứng khoán năm 2024 và dự báo kinh tế vĩ mô là khó khăn. Bởi bối cảnh thế giới hiện có nhiều điểm bất định, từ chiến sự ở Ukraine – Nga, Israel – Hamas vẫn chưa hạ nhiệt và suy thoái kinh tế vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Ở trong nước, thị trường bất động sản đóng băng dài hơn dự kiến cũng đã ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề. Dù vậy, FiinGroup đã nhìn thấy những tín hiệu tích cực từ vĩ mô trong nước như 10 tháng đầu năm 2023, xuất siêu 24,59 tỉ USD; đầu tư FDI từ Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc đã tăng trở lại. Ngoài ra, mức lãi suất thấp và tín dụng tăng tốc cũng là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế.
Ông Đinh Đức Minh, chuyên gia của Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, tin tưởng năm 2024 các ngân hàng có thể tăng trưởng tín dụng cao hơn khi kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt hơn. Bản thân ngân hàng cũng có thể giải quyết được vấn đề nợ xấu tốt hơn. Vì thế, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng được khuyến nghị đầu tư cho năm 2024. Hầu hết các ngân hàng hiện tại có mức định giá tương đối thấp so với lịch sử, ngoại trừ 2 ngân hàng định giá cao là Vietcombank và BIDV. Còn các ngân hàng khác, giá trị P/B ở mức khá hấp dẫn là 0,8-1,2 lần.
Lãnh đạo ACB từng cho biết, ACB không gặp rắc rối nào ở cả 3 điểm nóng mà nhiều ngân hàng bị dính vào: tín dụng bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư. Ngân hàng này cũng đã đổi mới mô hình, công nghệ, thực hiện chiến lược tập trung vào khách hàng Priority, là một trong những cổ phiếu trả cổ tức tiền mặt cao, có ROE trung bình 5 năm là 26%/năm, chưa từng phát hành cổ phiếu huy động vốn từ cổ đông. Đây là những lý do để ACB thường nằm trong nhóm cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn.
Nhóm ngành cũng đáng xem xét cho năm 2024 là điện. Công ty Chứng khoán Vietcap cho rằng việc điều chỉnh tăng giá điện sẽ tác động tích cực tới các cổ phiếu ngành điện. Trong đó, điện than có lợi hơn điện khí, thủy điện vì thị trường đã bớt thắt chặt, giá CGM (thị trường phát điện cạnh tranh) và giá điện bán lẻ sẽ cao hơn. Giá điện tăng còn giúp thúc đẩy các dự án phát triển nguồn điện, lưới điện. Ngoài ra, các doanh nghiệp điện cũng hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch năng lượng.
Ông Đinh Quang Tri, thành viên Hội đồng Quản trị độc lập của Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (TV2), cho biết Công ty đã làm việc cùng các nhà đầu tư nước ngoài để xuất khẩu điện ra các nước ASEAN, chủ yếu vào Singapore và Malaysia. Đơn vị này cũng đang nghiên cứu cơ hội từ sản xuất hydrogen để trung hòa carbon các nhà máy nhiệt điện, thép, phân đạm. Ở thị trường trong nước, các hợp đồng EPC đã ký tại những dự án lớn như Nhiệt điện sông Hậu 2, dự án Nhiệt điện sinh khối Hậu Giang, Nhiệt điện sinh khối Trà Vinh, Thủy điện Thác Bà 2 cũng hứa hẹn mang về tăng trưởng lợi nhuận vượt trội cho Công ty giai đoạn 2024-2025.
Dù có nhiều triển vọng nhưng bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu, Khối Dịch vụ thông tin tài chính của FiinGroup, lưu ý: “Nếu không tính nhóm bất động sản, P/E thị trường đã cán mốc 23,5 lần, cao hơn mức định giá lúc VN-Index chạm mốc 1.500 điểm”.
Trong từng nhóm ngành triển vọng cho năm 2024 cũng có những rủi ro. Chẳng hạn, với ngành ngân hàng, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research, cho biết rủi ro khiến nợ xấu phình to trong năm sau có thể đến từ các yếu tố: Thông tư 02 hết hiệu lực vào tháng 6/2024, các khoản nợ tái cơ cấu trước đây sẽ về đúng nhóm phân loại nợ; bộ đệm dự phòng của các ngân hàng thu hẹp trong năm 2023 khiến dư địa xử lý nợ cho năm sau không nhiều… Trong khi đó, nhóm cổ phiếu công nghệ và điện như FPT, TV2 khó có khả năng tăng giá đột biến trong năm 2024 do đã trải qua chuỗi ngày tăng giá ấn tượng suốt năm 2023.
Ở góc độ vĩ mô, theo Công ty Chứng khoán VNDirect, có 3 rủi ro ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 gồm lạm phát ở Mỹ và châu Âu cao hơn dự kiến khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu duy trì chính sách tiền tệ “diều hâu”; chỉ số DXY mạnh hơn dự kiến, có thể gây thêm áp lực lên tỉ giá hối đoái Việt Nam; tăng trưởng chậm hơn dự kiến của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam sẽ làm chậm quá trình phục hồi ở lĩnh vực sản xuất.
Ngọc Thuỷ
Nguồn: nhipcaudautu