Vị đắng của bia
Sabeco dù vẫn là “gà vàng” cho nhà đầu tư Thái nhưng lại đang đối mặt với nhiều thách thức trong một thị trường bia suy giảm về sức cầu.
Sabeco vừa đưa ra thông báo chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt tỉ lệ 15%, thời gian thanh toán vào ngày 7/2/2024. Với khoản cổ tức này, Vietnam Beverage sẽ nhận về 1.031 tỉ đồng tiền cổ tức.
Sụt giảm nhu cầu
Từ thời điểm chi gần 5 tỉ USD để nắm quyền chi phối Sabeco vào năm 2017, trong 6 năm qua, Vietnam Beverage (thuộc Tập đoàn Thai Beverage) đã thu về hơn 9.278 tỉ đồng cổ tức từ Sabeco. Dòng tiền từ cổ tức đã giúp Tập đoàn Thai Beverage thu lại khoảng 8% số tiền đầu tư vào Sabeco.
Dù nhận khoản lợi nhuận lớn nhưng Vietnam Beverage đang đối mặt với viễn cảnh không lạc quan khi tình hình kinh doanh của Sabeco nói riêng và ngành sản xuất bia nói chung đang suy giảm. Sau 9 tháng, Sabeco ghi nhận doanh thu 21.940 tỉ đồng, lợi nhuận ròng 3.170 tỉ đồng, lần lượt giảm 12% và 24% so với thực hiện cùng kỳ năm trước.
Hàng loạt công ty bia khác cũng cùng tình cảnh như Habeco – Hải Phòng có lợi nhuận sau thuế là 736 triệu đồng trong quý III/2023, giảm 75% so với cùng kỳ; Bia Sài Gòn – Quảng Ngãi giảm đến 55% lợi nhuận sau thuế sau 9 tháng, chỉ còn 78 tỉ đồng; Bia Sài Gòn – Sông Lam giảm 45% xuống còn 22 tỉ đồng; Bia Hà Nội – Hải Dương giảm 1/3 lợi nhuận, chỉ còn 7 tỉ đồng…
Đây là những con số thực sự ảm đạm so với trước năm 2019 – thời điểm Việt Nam từng là nước tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á. Từ năm 2019 trở về trước, trung bình mỗi năm ngành bia tăng trưởng 5-6%/năm. Nếu theo tốc độ tăng này, đến năm 2022 ngành bia phải tăng 20% so với năm 2019. Tuy nhiên, thực tế, năm 2021, ngành bia giảm 10-15% và năm 2022 tiếp tục giảm khoảng 5-7% so với năm 2019.
Trong tình hình này, không chỉ các hãng bia nội gặp khó, ngay cả các nhà sản xuất bia lớn như Heineken và Carlsberg đều chứng kiến doanh số bán hàng sụt giảm đáng kể tại thị trường Việt Nam. Ông Dolf van den Brink, Giám đốc Điều hành Heineken, cho biết Heineken suy giảm 5,6% lượng bia bán trong nửa đầu năm 2023, bởi suy thoái kinh tế ở Việt Nam. “Chúng tôi đang phải đối mặt với tình hình suy thoái kinh tế mạnh mẽ tại thị trường quan trọng của chúng tôi, đó là Việt Nam”, ông Dolf nói.
Có thể thấy ngành công nghiệp đồ uống của Việt Nam đang trong rơi vào “khó khăn kép” vì doanh số giảm mạnh, đồng thời phải gánh giá nguyên vật liệu tăng đến 50%. Trong khi đó, Nghị định 100 (quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) sẽ tiếp tục khiến sức tiêu thụ của thị trường bia khó hồi phục. Chưa kể, ngành bia cũng đối mặt với mức thuế tiêu thụ đặc biệt, dự kiến tăng ít nhất 10% trên giá bán sản phẩm theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trông chờ điểm sáng
Lúc này, ngành bia trông chờ vào dịp cuối năm với nhiều hoạt động tiệc, Tết… nhưng tình hình vẫn chưa mấy sáng sủa. Điều này cũng có thể ghi nhận khi các quán nhậu, vườn bia từng một thời đông đúc tại các thành phố lớn nay thu hẹp hoặc đóng cửa trong cảnh vắng vẻ.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành đồ uống bị thiệt hại nặng nề, thị trường tiêu thụ giảm 20-30%. “Từ nay đến cuối năm, thị trường bia vẫn còn rất ảm đạm”, ông Việt nói.
Trong năm 2023, SSI Research dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của Sabeco đạt lần lượt là 30.500 tỉ đồng (giảm 13% so với cùng kỳ) và 4.400 tỉ đồng (giảm 21%), thấp hơn khoảng 10% so với ước tính trước đây, do giảm ước tính về sản lượng khi mức tiêu thụ bia yếu.
Một điểm sáng, theo SSI Research, là người tiêu dùng đang chuyển từ sản phẩm cao cấp sang sản phẩm phổ thông và Sabeco hưởng lợi từ xu hướng này nhờ thương hiệu Bia Sài Gòn. Điều này có thể đặt ra kỳ vọng sản lượng tiêu thụ sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế trong nước phục hồi, có thể muộn nhất là vào nửa cuối năm 2024. Trong năm 2024, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của Sabeco được dự báo lần lượt đạt 32.500 tỉ đồng (tăng 7%) và 5.000 tỉ đồng (tăng 15%).
Tuy nhiên, các hãng bia nội như Sabeco vẫn đối mặt với nhiều rủi ro như thói quen chi tiêu của người Việt đang có xu hướng giảm, bên cạnh đó sẽ tăng chi tiêu vào các sản phẩm tốt cho sức khỏe sau dịch bệnh. Có cả sự bão hòa trong nhu cầu tiêu thụ khi bình quân tiêu thụ bia tại Việt Nam đã tăng liên tục trong 20 năm.
Tâm lý chuộng hàng ngoại của người Việt cũng sẽ là thách thức lớn với các hãng bia nội địa. Ngoài đe dọa cạnh tranh từ bia ngoại, trên thị trường hiện nay còn có các sản phẩm chai PET, bia chai, bia lon của các doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ với giá rẻ như Bia tươi Việt Hàn, Sao Vàng, Bia Tươi Hada, Hanoi Special Lager beer…
Trong khi đó, xung đột Nga – Ukraine vẫn căng thẳng cùng với dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các rủi ro về tài chính, lạm phát, tỉ giá ngoại tệ, lãi suất biến động… Đây sẽ là những yếu tố tạo nên tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế, có thể gây ảnh hưởng lớn tới yếu tố đầu vào và chi phí sản xuất kinh doanh của các nhà sản xuất bia trong năm tới.
Lam Hồng
Nguồn: nhipcaudautu