80% doanh thu bán lẻ đến từ các cửa hàng

Tháng Ba 2, 2019by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_banle-e1551497316654.jpg

Hội thảo “Tương lai của bán lẻ Việt Nam” do Công ty CP Vincom Retail tổ chức vừa diễn ra sáng 28.2.

Chọn điểm bán tại các trung tâm thương mại

Đưa ra những con số cụ thể, bà Rebecca Pearson – Phó giám đốc phụ trách bán lẻ CBRE châu Á khẳng định: Tuy người Việt bắt nhịp rất nhanh với xu hướng mua – bán trực tuyến (online) nhưng thực tế 80% doanh thu bán lẻ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn tập trung ở các cửa hàng. Các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng trên thế giới vẫn đang muốn gia tăng bán offline, thuê địa điểm để mở rộng các chuỗi cửa hàng. Ngay cả sàn thương mại điện tử Amazon cũng phải có các cửa hàng để thu hút, tạo không gian cho khách hàng dễ dàng “tận mục sở thị”. Trang web mua hàng trực tuyến Honestbee đang mở rộng tại 16 quốc gia trong khu vực châu Á cũng có cửa hàng với diện tích sàn lên tới 3.000 m2.

“Trong bối cảnh có sự thay đổi mạnh mẽ về bán hàng trực tuyến và ngoại tuyến như hiện nay, 90% những người mua sắm sẽ mua nhiều hơn khi đến tận cửa hàng nhận những món hàng đã đặt mua trực tuyến. Do đó, cần có sự kết hợp giữa offline và online. Khách hàng đến tận nơi, tiếp cận với sản phẩm sẽ tạo được những trải nghiệm khác biệt đối với các thương hiệu bán lẻ” – bà nói.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam nhận định phát triển thành chuỗi hệ thống là đích đến tất yếu của tất cả các nhà bán lẻ. Trong đó, mặt bằng bán lẻ là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất. Xu hướng chung là lựa chọn các trung tâm mua sắm để phát triển cửa hàng và đây cũng là kinh nghiệm của các nhà bán lẻ nổi tiếng nước ngoài.

Các thương hiệu nổi tiếng quy tụ tại trung tâm thương mại Vincom. Ảnh: VCR.

Bà Loan cho rằng có nhiều cách để doanh nghiệp tìm được 1 mặt bằng bán lẻ như thuê nhà mặt phố, thuê căn hộ… nhưng một cơ sở bán lẻ đặt tại các trung tâm thương mại (TTTM) sẽ có nhiều ưu thế hơn vì có được sự ổn định về thời gian thuê. Bên cạnh đó, từ xưa tới nay, việc “buôn có bạn, bán có phường” luôn mang lại hiệu quả nhất định và điều này vẫn đúng khi áp dụng với các thương hiệu bán lẻ. Các TTTM không chỉ đồng bộ các loại mặt hàng mà còn là một điểm đến mang tính hoạt động cộng đồng, là nơi vui chơi, mua sắm của cả khu vực và đang có xu hướng mở rộng cả về các tỉnh, thành giáp ranh. Như vậy nếu đặt mặt bằng bán lẻ tại đây, thương hiệu sẽ vừa tránh được tình trạng đơn độc kém thu hút, vừa tận dụng được nguồn khách lớn tới TTTM.

“Đặc biệt, các chủ đầu tư lớn, hùng mạnh như Vincom Retail, Vivo City, AEON Mall… thường xuyên tổ chức các hoạt động quảng bá, hoạt động cộng đồng đem đến nhiều trải nghiệm cho người tiêu dùng và bản thân các nhà bán lẻ cũng được hưởng lợi trực tiếp từ những hoạt động này” – bà Loan phân tích.

Tăng trải nghiệm, ứng dụng công nghệ tại điểm bán

Hầu hết các chuyên gia đều nhận định, thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang có những bước tăng trưởng vượt bậc, có nhiều tiềm năng và còn không gian rộng để phát triển kinh doanh theo chuỗi. Tuy nhiên, trước sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực kinh tế mạnh, dày dạn kinh nghiệm, áp lực giữ thị phần đối với các doanh nghiệp nội là rất lớn.

Bà Rebecca Pearson nhận định tuy không phải tất cả khách hàng đều mua online nhưng nhu cầu mua trực tiếp tại cửa hàng cũng có nhiều thay đổi. Khách hàng không còn đơn thuần chỉ đến cửa hàng để chọn đồ mà họ có nhu cầu trải nghiệm thực tế. Lấy ví dụ các mô hình: “Ngôi nhà đổi mới sáng tạo” của Nike ở Thượng Hải (Trung Quốc), “Click and Conect” của UNIQLO, cửa hàng Tiffany – New York, Prada Silver Line… đại diện CBRE châu Á khẳng định để tăng sức cạnh tranh, các cửa hàng phải được xây dựng có tính hấp dẫn, khiến khách hàng ngạc nhiên khi tới. Phải có thiết kế đặc biệt, áp dụng công nghệ số, nêu bật được sản phẩm, thương hiệu và có thể kết hợp với những hoạt động đem lại trải nghiệm độc đáo cho người tiêu dùng. Các TTTM cần tối ưu hóa diện tích sàn để đem đến nhiều trải nghiệm mới cho khách hàng như khu vui chơi cho trẻ em, khu tượng sáp, khu nấu ăn…

Gia tăng trải nghiệm cho khách hàng tại điểm bán. Ảnh: VCR.

“Doanh nghiệp Việt có lợi thế trong việc tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng. Đây chính là chìa khóa để định hình, định vị sản phẩm, phát triển chuỗi thương hiệu. Điều các nhà bán lẻ Việt Nam cần làm là chú trọng đổi mới sáng tạo, áp dụng triệt để công nghệ thông tin, công nghệ số để tăng thêm trải nghiệm cho khách hàng” – bà Rebecca Pearson đưa lời khuyên.

Bà Trần Thu Hiền, Phó tổng giám đốc kinh doanh – marketing của Vincom Retail cho biết với 4 dòng thương hiệu Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza, Vincom+, công ty xác định chiến lược phát triển các TTTM trở thành một cộng đồng kết nối các đối tác bán lẻ, mang đến không gian mua sắm hiện đại, sản phẩm chất lượng, dịch vụ đẳng cấp cho người tiêu dùng. “Trong năm 2019, hệ thống sẽ tiếp tục mở rộng với kế hoạch ra mắt thêm 13 TTTM Vincom mới với mô hình khác biệt hoàn toàn, nâng tổng số TTTM lên con số 79 trên toàn quốc, nâng tổng diện tích bán lẻ lên 1,6 triệu m2 mặt sàn. Các dự án chào thuê trong thời gian tới đều sở hữu vị trí trọng điểm tại các khu đô thị VinCity, khu du lịch nghỉ dưỡng… mang lại nguồn khách dồi dào cho các nhà bán lẻ và được áp dụng công nghệ mang đến nhiều trải nghiệm cho khách hàng” – bà Hiền thông tin.

Hà Mai
Nguồn: Thanh Niên

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button