“4.0 hóa” thương hiệu gia truyền

Tháng Một 15, 2021by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_4.0_thuong_hieu_gia_truyen-e1611620753682.jpg

Các sản phẩm gia truyền buộc phải làm mới để tồn tại và phát triển.

Kể từ khi kế thừa nghề làm phấn nụ gia truyền từ mẹ, bà Nguyễn Phương Khanh đã quyết định chọn con đường chuyên nghiệp hoá sản phẩm này. Sau gần 1 thập niên, thương hiệu Phấn Nụ Hoàng Cung vượt ra khỏi giới hạn của một chứng nhân lịch sử và trở thành thương hiệu mỹ phẩm chuyên nghiệp với định vị thuần tự nhiên (theo chuẩn Ecocert của Châu Âu), hướng tới việc xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ, Nhật…

Trợ lực từ lịch sử

Phấn Nụ Hoàng Cung là một ví dụ điển hình trong nỗ lực phục hồi các sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam trong quá khứ. Việt Nam từng có những thương hiệu nổi tiếng như xà bông Cô Ba, dầu gió Trường Sơn, nước mắm Liên Thành…

Song khi đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, nhiều thương hiệu này mai một hoặc biến mất. Chỉ có những doanh nghiệp tồn tại và tìm đường phát triển khi biết thích ứng với nhu cầu mới của thị trường như Trường Sơn, Liên Thành, Phấn Nụ Hoàng Cung… Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, sự tin tưởng của người dùng và khả năng xây dựng cộng đồng khách hàng là lợi thế của những thương hiệu có bề dày lịch sử. Các doanh nghiệp này thường có chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu được thẩm định qua thời gian nhờ tận dụng thành công kinh nghiệm quý báu về công thức và sự am hiểu nguyên liệu, bên cạnh việc tinh hoá kỹ thuật sản xuất. Đây cũng chính là tiền đề để một số chương trình phát triển nhóm ngành nghề truyền thống của Nhà nước như OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) ra đời và duy trì.

Tuy nhiên, chọn chuyên nghiệp hoá sản xuất hoặc làm mới thương hiệu gia truyền cũng có thể đem đến những rủi ro. Ví dụ ở lĩnh vực mỹ phẩm, dù xu hướng sử dụng nguồn thảo dược nội địa ngày càng sôi động, nhờ thị hiếu tăng cao dành cho các sản phẩm có yếu tố “đông y”, “nam dược” nhưng số lượng doanh nghiệp thành công không nhiều.

“Nguyên nhân phổ biến được nhiều đơn vị nhìn nhận là việc chưa có chiến lược cũng như đầu tư thiếu sự đồng nhất. Một số yếu tố cấp thiết như tính thực tế, độc đáo của công thức gia truyền, tiêu chuẩn sản phẩm và nhà máy, chứng chỉ kiểm định chưa có; trong khi các hoạt động về truyền thông, quảng bá đã thực hiện, dẫn đến nhiều bất hợp lý khi kinh doanh đường dài”, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhận định.

Giải thích thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc Thuý, Nhà Sáng lập Công ty M.A.I Việt Nam – thương hiệu mỹ phẩm Dr. Mai, cho biết thách thức lớn nhất mà các thương hiệu mỹ phẩm sử dụng công thức gia truyền không phải nằm ở công thức phải “độc lạ ra sao” mà ở vấn đề quản lý chất lượng. “Cũng như nhiều sản phẩm thuần tự nhiên khác, sản phẩm Dr. Mai thực chất là được nấu từ các loại cây lá thuốc nam có thành phần rất gần gũi như gừng, tỏi, diếp cá, nghệ… Chất lượng và an toàn ra sao không chỉ truyền miệng là đủ mà cần kiểm chứng khoa học chuyên nghiệp thì người dùng mới tin tưởng được”, bà Thuý cho biết.

Thách thức hiện tại

Nhiều đại diện doanh nghiệp có yếu tố gia truyền, sử dụng nguyên liệu tự nhiên tại Việt Nam nhận định, thách thức thứ nhất cho hầu hết các doanh nghiệp ở nhóm này chính là ở việc lựa chọn nguồn cung và bảo quản. Nguyên liệu càng tự nhiên, càng tươi thì việc lựa chọn nguồn cung sạch, bảo quản tốt càng quan trọng để giúp thành phẩm giữ được chất lượng tốt nhất.

Vấn đề thứ 2 của nhiều doanh nghiệp đi từ hộ kinh doanh nhỏ sang mô hình công ty chuyên nghiệp hoá là việc sử dụng nguồn nguyên liệu không đảm bảo và không ổn định (thường là hộ dân quen biết) nên gặp nhiều trở ngại khi thực hiện giấy phép sản xuất và kiểm định sản phẩm an toàn. Mặt khác, nhiều công thức gia truyền mang tính tự phát, chưa có sự kiểm chứng của sở ban ngành cũng khiến các sản phẩm dù có mác thiên nhiên nhưng vẫn “chết yểu”.

Nhận thức các vấn đề trên, nhiều doanh nghiệp trẻ đã chủ động hiện đại hoá mô hình nhà máy và phương thức phát triển sản phẩm. Chẳng hạn, sản phẩm Dr. Mai đã có chứng nhận chất lượng ISO 9001:2015/TCVN ISO 9001:2015, nhà máy đạt chuẩn CGMP, chứng nhận sản xuất mỹ phẩm của Sở Y tế, giấy phép công bố sản phẩm… Kể từ khi đi vào sản xuất chuyên nghiệp, M.A.I Việt Nam đã bán được khoảng 3 triệu sản phẩm trong 2 năm đầu (tập trung ở đối tượng người dùng phổ thông), một con số không nhỏ với một doanh nghiệp trẻ.

Nhiều doanh nghiệp trẻ đã chủ động hiện đại hoá mô hình nhà máy và phương thức phát triển sản phẩm. Ảnh: TL

Thành quả tương tự cũng đến với Saigon Baigur Gin. Suốt 10 năm sống tại Việt Nam cùng vợ, ông Jochem Lisser, Đồng Sáng lập Saigon Baigur Gin, đã có cơ hội tìm hiểu và tiếp cận nhiều loại rượu truyền thống, các bài thuốc từ thiên nhiên được lưu truyền ở Việt Nam. “Sau hơn 100 công thức thử nghiệm với thực vật địa phương, chúng tôi nhận thấy phật thủ và hoa sen có mùi thơm rất đậm và đặc trưng. Mặt khác, 2 loại nguyên liệu này cũng được sử dụng trong ẩm thực và chứa dược tính tốt. Vì vậy, rượu thảo dược của chúng tôi rất thuần Việt Nam”, ông Jochem Lisser chia sẻ.

Từ kinh nghiệm có được qua hành trình phát triển mô hình khởi nghiệp ở Châu Âu, Saigon Baigur Gin đã đi vào sản xuất chuyên nghiệp ngay từ đầu với nhà máy chưng cất rượu thủ công sử dụng nồi đồng theo chuẩn nấu rượu truyền thống của châu Âu.

Các doanh nghiệp trẻ chủ động và sáng tạo trong việc hiện đại hoá các vốn quý truyền thống không chỉ củng cố thêm giá trị nguồn nguyên liệu tự nhiên tại Việt Nam, mà còn đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng, khai thác tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm và bảo tồn di sản văn hoá. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để các thương hiệu gia truyền Việt có cơ hội khẳng định mình và tìm cơ hội bước ra bên ngoài.

So Vy
Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button